Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội
28/09/2022 09:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 27/9, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 49 điểm cầu các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.
Trong năm 2022, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kết luận có ý nghĩa nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát. Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 3 Nghị quyết quan trọng góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát. “Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại Kỳ họp thứ 5; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030” tại Kỳ họp thứ 6.
Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại Phiên họp tháng 8/2023; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” tại Phiên họp tháng 9/2023. “Việc lựa chọn địa bàn giám sát cần lưu ý nghiên cứu lựa chọn những Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt và chưa tốt để có cơ sở đánh giá đầy đủ các mặt của lĩnh vực. Tận dụng tối đa những kết quả giám sát đã thực hiện trước đây, kết quả của thanh tra, kiểm toán cũng như kết quả giám sát của HĐND cấp tỉnh, Đoàn ĐBQH để có thêm thông tin làm cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác”- ông Cường thông tin.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, bà Nguyễn Thị Mai Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, phương thức giám sát của Đoàn được nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm của các đoàn giám sát trước đây, vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật, vừa được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, kế hoạch và các đề cương chi tiết được trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng giữa cơ quan thường trực, các thành viên Đoàn Giám sát với các đối tượng chịu sự giám sát, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để đạt hiệu quả giám sát cao nhất, Đoàn Giám sát đặc biệt coi trọng công tác phối hợp, nhất là với các cơ quan của Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các cơ quan ở Trung ương; Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố; các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Đánh giá kết quả triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH năm 2022, Thường trực HĐND TP.HCM nhận thấy hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Nội dung giám sát được Quốc hội lựa chọn sát với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước, nhằm rà soát việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của Quốc hội đã ban hành gắn với sự phát triển của từng địa phương, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện khá hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội đúng quy định. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM nêu rõ, thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để Hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp. Đồng thời, để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong báo cáo. Đồng thời, nhấn mạnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát; tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực…
V.Thu
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình