Được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu đủ điều kiện
22/08/2022 08:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau hai tháng tạm hoãn hợp đồng lao động, do công ty không có việc cho nên tôi và công ty đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Trong trường hợp này, tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? NGUYỄN VĂN THÁI (Hà Nội)
Ảnh minh họa: Thành Đạt
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Như vậy, bạn sẽ được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên.
Chế độ thai sản cho lao động nam khi vợ sinh con
Em trai tôi tham gia bảo hiểm xã hội được 11 tháng thì vợ của em tôi sinh con. Vậy em tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Cụ thể gồm chế độ gì? HOÀNG VĂN HÀ (Cao Bằng)
Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 5 ngày làm việc;
b) 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng hai lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 hướng dẫn chi tiết về điều kiện hưởng trợ cấp 1 lần như sau: Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Điểm c Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 7/7/2021 bổ sung Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 như sau: Trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại Điểm a Khoản này thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo https://nhandan.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình