Hơn ai hết, Hồ Chí Minh còn là chủ thể sáng tạo văn hóa

18/05/2020 01:56 PM


Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều nhận định, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh là một hiện tượng hiếm thấy. Từ năm 1923, nhà báo Ô-xíp Manđenxtam (Liên Xô) đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.

Nghị quyết của UNESCO kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ: “Năm 1990 được đánh dấu bằng Lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, một Nhà văn hóa lớn”- đó là sự khái quát nhất toàn bộ công lao và sự nghiệp cách mạng của Người.

Có thể nói, ở Hồ Chí Minh, giữa tinh hoa văn hóa dân tộc với văn hóa nhân loại là một sự kết hợp nhuần nhuyễn. Văn hóa dân tộc là gốc, là “tấm căn cước” vừa để giữ bản sắc văn hóa bản địa, vừa để chắt lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Người là tấm gương biết làm giàu trí tuệ của mình bằng cách tiếp thu văn hóa nhân loại, như văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pháp, Mỹ… trong đó, tinh hoa văn hóa quan trọng nhất với Người, đó là chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hồ Chí Minh cho rằng “văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại. Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay trau dồi cho văn hóa Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.

Về điều này, GS.Đặng Xuân Kỳ viết: Văn hóa Hồ Chí Minh cũng không xa lạ với người nước ngoài, dù ở phương Đông hay phương Tây. Những người ở phương Tây có thể thấy trong văn hóa Hồ Chí Minh tinh thần của chủ nghĩa nhân đạo thời kỳ Phục hưng, tư tưởng dân chủ của thế kỷ Ánh sáng, tinh thần độc lập và dân quyền của cách mạng Mỹ, tư tưởng tự do- bình đẳng- bác ái của cách mạng Pháp, và cao hơn cả là tinh thần cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Những người phương Đông lại thấy trong văn hóa Hồ Chí Minh những nét gần gũi với chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, tinh thần yêu nước, khắc khổ hy sinh vì dân vì nước của Găng-đi, và xa hơn là học thuyết về sự tu dưỡng đạo đức và sự trang nhã của Khổng giáo, đức từ bi của Phật Thích Ca, tinh thần bác ái của Giê-su”.

Không chỉ là người biết kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, làm giàu trí tuệ bằng tinh hoa văn hóa nhân loại, hơn ai hết, Hồ Chí Minh còn là chủ thể sáng tạo văn hóa. Chính Người đã khởi xướng “diệt giặc dốt”; bảo vệ môi trường; khởi xướng phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt…

Dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; “phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”; “phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”. Còn nhớ, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người đã kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước cùng chung tay “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa có tác dụng sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới; văn hóa tạo sức mạnh vật chất và tinh thần thắng giặc ngoại xâm theo tinh thần “văn minh thắng bạo tàn”… Với vai trò khởi xướng xây dựng đời sống mới, Người chỉ rõ: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết; không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì phải làm”.

Đặc biệt, Người cũng tâm niệm, muốn cho Việt Nam trở nên một nước mới, một nước văn minh, thì mỗi người cần:

“Một là sốt sắng yêu Tổ quốc

Hai là sẵn lòng công ích

Ba là mình hơn người thì chớ kiêu căng

Người hơn mình thì chớ nịnh hót

Thấy của người thì chớ tham lam

Đối với mình thì chớ bủn xỉn

Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác

Cách làm việc phải siêng năng

Cách cư xử, với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ

Biết ham học. Biết rồi, ta học thêm”.

Là người có phong thái ung dung, tự tại, yêu thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đi tiên phong, khởi xướng và thực hiện phong trào trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu năm 1960, Người phát động phong trào “Trồng cây gây rừng”, mà từ đó đến nay cứ mỗi độ Xuân về, cả nước đều thực hiện việc trồng cây như một nét đẹp trong văn hóa ngày Tết.

Tư tưởng về văn hóa cũng như chính bản thân Người như một tấm gương sáng luôn soi đường cho dân tộc ta trong suốt nhiều thập kỷ qua. Bác Hồ- cha của chúng ta đã đi gặp các cụ Các Mác, Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác. Nhưng khác với Mặt trời khi lặn thường mang theo ánh sáng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho dân tộc Việt Nam và nhân loại cả trái tim mênh mông và cả trí tuệ sáng ngời.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), tưởng nhớ tới Người, mỗi chúng ta càng siết chặt thêm đội ngũ, để “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”; và quan trọng hơn, thấy tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn soi rọi, dẫn dắt mọi suy nghĩ và hành động của mình.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn