Cho ý kiến dự án Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
21/04/2020 08:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 20/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Theo báo cáo, từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 NLĐ ra nước ngoài làm việc, góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp. Tuy nhiên, do sự cho phép NLĐ tự do di chuyển trong khối ASEAN, dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới chưa được quy định trong luật, gây khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành...
Hơn nữa, tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, là vấn đề quản lý di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, đảm bảo phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân... Do đó, dự thảo luật lần này sẽ bố cục gồm 8 Chương và 79 Điều (giữ nguyên số chương và giảm 1 điều so với luật hiện hành).
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải kỳ vọng dự án luật này cần thúc đẩy chuyển biến về chất trong hoạt động xuất khẩu lao động, không chỉ về lợi ích kinh tế trực tiếp, mà còn góp phần nâng cao chất lượng, trình độ NLĐ để quay trở về cống hiến cho đất nước.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm việc trong bối cảnh lao động giản đơn dần được thay thế bởi robot, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án luật này phải gắn việc làm trong nước với làm việc ở nước ngoài, để sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài, NLĐ có thể tìm được việc làm trong nước và tiếp tục tham gia BHXH. “Cần phải thiết kế trong luật để bảo vệ NLĐ, thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã mở rộng hơn so với hiện hành, tuy nhiên quy định tại Điều 1 dự thảo luật chưa bao quát được các nội dung “chính sách đối với NLĐ sau khi về nước”, “quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước”; chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh đối với nhóm NLĐ được tự do di chuyển trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Do đó, theo bà Nguyễn Thúy Anh, Ban soạn thảo cần làm rõ về các thay đổi, bổ sung và tác động của thay đổi này đối với quan điểm xây dựng luật, cũng như tiếp tục nghiên cứu, bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật cho phù hợp. Bên cạnh đó, dự thảo luật vẫn chỉ quy định chính sách của Nhà nước đối với NLĐ, mà chưa phản ánh hết mức độ, phạm vi, định hướng tổng thể chính sách về lĩnh vực lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về chính sách đối với NLĐ sau khi về nước, Ban soạn thảo cần nghiên cứu và cụ thể hóa các chính sách này theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và NLĐ theo nhóm nội dung. Cụ thể: Theo dõi, nắm bắt, khai báo để quản lý tốt NLĐ sau khi về nước; cơ chế, chính sách hỗ trợ tái hòa nhập; hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kết nối cung-cầu lao động và khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, các nội dung về quản lý nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm; nội dung hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hợp đồng cung ứng lao động; đơn vị sự nghiệp, DN đưa NLĐ đi theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; cấp giấy chứng nhận tham gia bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc tại nước ngoài… cần được tiếp tục nghiên cứu, giải trình, chỉnh lý và hoàn thiện.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban TVQH để hoàn thiện các văn bản về việc đưa NLĐ Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, không chỉ lao động mà còn nâng cao tay nghề, tri thức để quay về đóng góp, xây dựng đất nước, giữ vững hình ảnh người Việt Nam, danh dự người Việt Nam, đề cao trách nhiệm và chất lượng việc đưa NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc; định hướng lựa chọn ngành nghề có giá trị gia tăng, phù hợp với điều kiện sức khỏe, luật pháp, tập quán nước sở tại.
“Cần đánh giá tác động của luật, nhất là trong thời điểm thế giới có nhiều biến động khó lường về kinh tế, quan hệ cung-cầu, tác động sau đại dịch Covid-19. Đây là những vấn đề cần được cập nhật trong quá trình xây dựng luật. Tờ trình và Báo cáo thẩm tra cần có đánh giá dự báo để kịp thời bảo vệ quyền lợi người Việt Nam lao động ở nước ngoài, phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ động thích ứng và gắn kết trong quan hệ kinh tế quốc tế, cân nhắc thận trọng, phù hợp với tình hình mới, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội trong chuyển đổi nền kinh tế...”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình