Hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN gồm những gì?
18/03/2020 08:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để hướng dẫn việc thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin; lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với những hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT theo quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự, vừa qua, BHXH Việt Nam ra Công văn số 239/BHXH-PC gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, BHXH tỉnh/huyện lập hồ sơ kiến nghị khởi tố gồm các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan, có thể là bản photo, bản chính hoặc bản sao hợp pháp (sao lục, sao y bản chính…) hoặc bản chuyển đổi từ tài liệu, dữ liệu điện tử bảo đảm tính pháp lý theo quy định.
Hồ sơ kiến nghị khởi tố về Tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214 Bộ luật Hình sự)
Bao gồm Văn bản kiến nghị khởi tố vụ án của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện; Hồ sơ giải quyết/chi trả các chế độ (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và các chế độ khác theo quy định của pháp luật về BHXH, BHTN) thể hiện hành vi gian lận chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên; Các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh hành vi gian lận chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN hoặc gây thiệt hại như: giấy tờ, tài liệu đã bị làm sai lệch nội dung; giấy tờ, tài liệu được lập giả, không có thật, không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cấp không đúng quy định, không đúng thẩm quyền… được dùng để giải quyết, thanh toán các chế độ về BHXH, BHTN (giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH, giấy chứng sinh, khai sinh, chứng tử, khai tử, biên bản giám định khả năng lao động, hồ sơ chứng minh quá trình công tác để hưởng BHXH…); Đơn thư, tài liệu của cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi gian lận BHXH, BHTN đã được kiểm tra, xác minh theo quy định; Biên bản, kết luận kiểm tra, xác minh và các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có).
Hồ sơ kiến nghị khởi tố về Tội gian lận BHYT (Điều 215 Bộ luật Hình sự)
Bao gồm Văn bản kiến nghị khởi tố vụ án của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện; Hồ sơ giải quyết/chi trả, thanh toán chế độ BHYT thể hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại số tiền từ 20 triệu đồng trở lên; Các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh hành vi gian lận chiếm đoạt tiền BHYT hoặc gây thiệt hại như tài liệu về hồ sơ bệnh án khống, hồ sơ bệnh án không do cơ quan có thẩm quyền cấp, hồ sơ bệnh án giả mạo của người khác; đơn thuốc khống; đơn thuốc, hóa đơn thanh toán kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh, giấy tờ, hóa đơn thanh toán chi phí khác (các chi phí phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bao gồm chi phí tiền thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chi phí giường bệnh như tiền công khám, chi phí vận chuyển người bệnh…), thẻ BHYT không do cơ quan có thẩm quyền cấp, thẻ BHYT của người khác, thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT đã bị thu hồi, sửa chữa được dùng để thanh toán chế độ BHYT trái quy định; Đơn thư, tài liệu của cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi gian lận BHYT đã được kiểm tra, xác minh theo quy định; Biên bản, kết luận kiểm tra, xác minh và các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có).
Hồ sơ kiến nghị khởi tố về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216 Bộ luật Hình sự)
Bao gồm Văn bản kiến nghị khởi tố vụ án của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được lập đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định được thực hiện từ ngày 01/01/2018 trở đi, kèm theo Quyết định Thanh tra, Biên bản làm việc, tài liệu xác minh sự việc, Biên bản vi phạm hành chính, Kết luận Thanh tra - Kiểm tra; Tài liệu chứng minh hành vi trốn đóng với thời gian từ đủ 06 tháng trở lên và thỏa mãn 01 trong 02 dấu hiệu như số tiền trốn đóng từ 50 triệu đồng trở lên hoặc trốn đóng từ 10 người trở lên (tính từ 01/01/2018 trở đi), bao gồm Danh sách người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Biên bản làm việc về đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, Tài liệu chứng minh việc đơn vị sử dụng lao động không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ danh sách người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc với cơ quan BHXH: Danh sách lao động chưa tham gia tương ứng các tháng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, Các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có); Tài liệu, chứng cứ có liên quan như Danh sách lao động đã được khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do cơ quan thuế cung cấp nhưng đơn vị chưa đăng ký tham gia cho người lao động (nếu có), Quyết định thành lập, Giấy phép thành lập, hoạt động, chứng nhận đăng ký kinh doanh... (nếu có), Các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có); Đơn thư, tài liệu của cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được kiểm tra, xác minh theo quy định (nếu có).
Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình