Xây dựng bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân: Vấn đề đặt ra và khuyến nghị

13/03/2020 02:34 PM


Việt Nam đạt được những bước tiến quan trọng trong lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, dù vậy trước những tác động từ các yếu tố mới, việc hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân cũng như bảo đảm tính bền vững của cơ chế tài chính trong hệ thống đang gặp phải không ít thách thức.

Bài 1: Kết quả và dự báo những thách thức 

Cùng với các quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, diện bao phủ BHYT đã tăng khá nhanh trong giai đoạn 05 năm vừa qua. Diện bao phủ từ 71,5% năm 2014 tăng lên và đạt 90% năm 2019 – tương ứng số người tham gia là 85,34 triệu (tăng thêm 20,8 triệu người so với năm 2014). Đây là nguồn lực quan trọng đã và đang bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách hiệu quả. Năm 2009 – năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT, có 92,1 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT; con số này gia tăng mạnh trong giai đoạn 05 năm vừa qua; từ 136,4 triệu lượt năm 2014, tăng lên và đạt khoảng 186,4 triệu lượt năm 2019; tương ứng, tổng chi khám, chữa bệnh tăng trên 2,5 lần.

Theo đánh giá của WHO, với những đặc điểm hiện có, bao gồm các yếu tố về dân số, thị trường lao động, hệ thống cơ sở vật chất y tế… quá trình xây dựng tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức cơ bản như:

Lực lượng lao động phi chính thức khá lớn, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng diện bao phủ mang tính bền vững. Không giống như các quốc gia phát triển mạnh công nghiệp, lực lao động chính thức chiếm tỷ lệ cao và được tham gia BHYT theo diện bắt buộc khá lớn, số tham gia BHYT ở Việt Nam chủ yếu theo diện hộ gia đình (theo quy định của Luật BHYT) và diện được hỗ trợ đóng từ ngân sách nhà nước. Theo thống kê của BHXH ViệtNam, trong giai đoạn 05 năm gần đây, nhóm tham gia BHYT thuộc diện ngân sách nhà nước chiếm khoảng 41-46% tổng số người tham gia BHYT, rất khó để khẳng định rằng nhóm này sẽ tiếp tục tham gia BHYT (có thể giảm xuống) khi cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước có thay đổi, tâm lý trông chờ vào hỗ trợ là một thực tế có thể thấy rõ. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng có tăng lên nhưng chỉ chiếm tỷ trọng từ 15-17% tổng số  người tham gia. Khoảng 10% đối tượng chưa tham gia BHYT rất khó phát triển do chủ yếu  ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, thu nhập không ổn định... Nhóm thuộc diện hộ gia đình tham gia BHYT hiện mới  chỉ bao phủ khoảng 70% số đối tượng. Việc mở rộng bao phủ đến nhóm chưa tham gia và tiếp tục duy trì sự tham gia dài hạn của nhóm hiện tại là một vấn đề không dễ dàng. 

Một vấn đề khác, chi phí chăm sóc sức khỏe từ Quỹ BHYT đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng, một phần là do sự phát triển của hệ thống chăm sóc với các loại trang thiết bị, dịch vụ, thuốc đắt tiền; trong khi đó mức đóng BHYT gần như không đổi trong những năm qua và được duy trì ở mức thấp.

Già hóa dân số cũng là yếu tố khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế của Việt Nam gặp nhiều sức ép dài hạn; hệ thống hiện tại thiên về điều trị, trong khi chăm sóc người cao tuổi có những đặc thù riêng và chưa được xây dựng cơ sở vững chắc đáp ứng yêu cầu đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Các bệnh mạn tính thường gặp ở người trung niên, người cao tuổi cần một quá trình khám, phát hiện sớm, điều trị chủ động qua đó đảm bảo hiệu quả tác động và nhất là giảm chi phí, dù vậy vấn đề này ở Việt Nam còn khá hạn chế.

Bên cạnh đó, các phân tích của WHO về chi phí BHYT ở Việt Nam cũng cho thấy một số vấn đề cần quan tâm. Trong đó, tổng chi BHYT tăng lên qua các năm cho thấy nguồn lực đang được phát huy song cũng phải đối mặt với các thách thức. Cơ chế chi trả theo phí dịch vụ dễ làm gia tăng tổng chi hàng năm và khó có sự kiểm soát. Dù vậy, chi phí từ tiền túi người dân vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi cho y tế, khoảng 37%. Thời gian lưu trú trung bình trong bệnh viện cao, tương ứng chi phí chi trả trong quá trình điều trị lớn hơn, nhất là tại các bệnh viện tuyến trung ương. Số lượt khám, chữa bệnh trung bình của mỗi người không tăng nhiều nhưng chi phí điều trị trung bình cho mỗi lượt khám, chữa bệnh tăng khá đều trong giai đoạn 2016-2018, và chỉ số này cũng cao tại bệnh viện tuyến trung ương. Có nhiều yếu tố dẫn đến gia tăng chi phí điều trị như đặc điểm dân số, cơ sở khám, chữa bệnh, công nghệ, giá…/.

ThS. Nguyễn Thị Việt Hoa 

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn