DN tạm ngừng hoạt động vì dịch Covid-19, đóng BHXH cho NLĐ như thế nào?

13/03/2020 02:29 PM


Những ngày vừa qua, nhiều DN trên địa bàn TP.HCM bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, đã đề nghị cơ quan BHXH giải đáp về một số vấn đề liên quan đến tiền lương và đóng BHXH, BHYT cho NLĐ…

Ông Nguyễn Đăng Duy- Giám đốc Công ty TNHH DIVICO (quận 12) cho biết: “Hiện tại, DN đang gặp rất nhiều khó khăn do hoạt động liên quan đến ngành du lịch, tuy nhiên chúng tôi vẫn đang cầm cự. Nhưng có lẽ, chúng tôi cũng phải tính đến hướng giải quyết cho NLĐ nghỉ việc tạm thời, vài tháng nữa khi mọi việc tạm ổn mới tiếp tục hoạt động trở lại. Phía công ty cũng chưa rõ giải quyết về tiền lương, BHXH, BHYT với NLĐ như thế nào cho ổn và đúng quy định pháp luật. Mới đây, tôi đã yêu cầu Trưởng phòng Nhân sự liên hệ cơ quan BHXH và Phòng LĐ-TB&XH quận 12 hỏi cụ thể để thực hiện”.

Ngày 17/2 mới đây, BHXH quận Gò Vấp cũng nhận được văn bản của Công ty CP Giày da Huê Phong hỏi về việc hướng dẫn trích nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN cho NLĐ tại công ty do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông Hồ Hải Luận- Giám đốc BHXH quận Gò Vấp, ngoài Công ty Huê Phong, một số DN khác trên địa bàn cũng liên hệ với BHXH quận nhờ tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan đến việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ nếu DN cho NLĐ nghỉ việc, hoặc tạm ngừng hoạt động trong thời điểm này...

Trước những băn khoăn của các DN, ông Hồ Hải Luận cho biết: “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy khi ban hành các quy định pháp luật về lao động và BHXH, các nhà làm luật cũng đã tiên liệu trước các vấn đề này và quy định khá rõ trong luật. BHXH quận đã vận dụng các quy định pháp luật này và văn bản hướng dẫn liên quan để trả lời DN”.

Cụ thể, tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 đã quy định rõ, trong trường hợp phải ngừng việc, NLĐ được trả lương như sau: Nếu do lỗi của người SDLĐ, thì NLĐ được trả đủ tiền lương; nếu do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương, những NLĐ khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Còn nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người SDLĐ, NLĐ hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Trong khi đó, tại Khoản 6, Điều 30 Thông tư 59/TT-BLĐTBXH quy định: Trong thời gian NLĐ ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương, thì NLĐ và người SDLĐ thực hiện đóng BHXH bắt buộc theo mức tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Tại Điều 88 Luật BHXH 2014 quy định về việc “tạm dừng đóng BHXH bắt buộc” cũng đã hướng dẫn rõ: Trong trường hợp người SDLĐ gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất kinh doanh dẫn đến việc NLĐ và người SDLĐ không có khả năng đóng BHXH, thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng; hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người SDLĐ và NLĐ tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của luật này.

Như vậy, theo ông Hồ Hải Luận, căn cứ các quy định của Bộ luật Lao động và Luật BHXH, thì trong thời gian ngừng việc mà NLĐ vẫn được hưởng lương, thì công ty vẫn phải đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN và được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng và không phải tính lãi chậm đóng.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn