Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tinh gọn bộ máy để có nguồn cải cách tiền lương

05/03/2020 08:42 AM


Chiều 04/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công để cho ý kiến vào một số đề án. Thủ tướng cho rằng, cải cách tiền lương là bài toán khó, liên quan đến nhiều đối tượng. Cải cách tiền lương thì phải cải cách thực sự, chứ không chỉ là việc bù trượt giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Ảnh: VGP.

Theo quyết định mới ban hành tháng 2/2020 về phân công công tác của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động và thành lập Ban chỉ đạo để xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
Sau gần 1 năm triển khai, đến nay, bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo được bầu cử và bổ nhiệm trong hệ thống chính trị và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo đang được tích cực xây dựng. Đây được là cuộc cách mạng với quyết tâm chính trị rất lớn sau nhiều nhiệm kỳ gần đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bảng lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn thể chính trị và các tổ chức xã hội, người nghỉ hưu và có công với nước là một vấn đề rất quan trọng, có ảnh hướng rất lớn tới xã hội. Vì thế, các thành viên của Ban chỉ đạo phải bám sát Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ để cho ý kiến cụ thể vào dự thảo các bảng lương mới, bảo đảm mức lương mới phải cao hơn mức lương cũ và tương đối công bằng, nhằm tạo thêm động lực và sức mạnh xây dựng và phát triển đất nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao các bộ liên quan tổ chức các cuộc hội thảo để lắng nghe ý kiến góp ý của giới chuyên gia vào các bảng lương mới, trước khi hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền quyết định. Nếu được thông qua, việc cải cách chính sách tiền lương sẽ được thực hiện vào khoảng giữa năm 2021, đúng mục tiêu của Nghị quyết 27. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị sẽ được áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện các phương pháp tính để làm căn cứ thiết kế các bảng lương, đảm bảo tiền lương bằng lương cơ bản cộng phụ cấp. Trong đó đối với phụ cấp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn theo hướng giảm số loại phụ cấp, giúp công bằng hơn và dễ quản lý hơn. Nguyên tắc là phụ cấp ngành do bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực có hướng dẫn cụ thể theo khung do Chính phủ quy định.
Về nguồn thực hiện cải cách tiền lương, ngoài dành một phần các khoản vượt thu của các địa phương và Trung ương, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng vẫn là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước. Đây là nhiệm vụ cần thực hiện quyết liệt, coi đây là chủ trương nhất quán của Ban Chỉ đạo về cải cách tiền lương để các cấp, ngành thực hiện tốt các Nghị quyết 18, 19 của Trung ương. Trong đó có cải cách đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức lại các đơn vị hành chính.
Đối với điều chỉnh lương hưu, Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bám sát Nghị quyết 28 của Trung ương, Luật Bảo hiểm xã hội để có phương án xác định, tính toán điều chỉnh cho phù hợp với lương hưu từng thời kỳ, nhất là đối với lương hưu từ trước năm 1995.
Đối với điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho người có công, thân nhân người có công, Thủ tướng chỉ đạo cần hết sức quan tâm, bởi đây là chính sách đặc biệt, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự tri ân của đất nước, dân tộc. Trước mắt năm 2020 tiếp tục điều chỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội. Từ năm 2021 điều chỉnh theo lộ trình cải cách tiền lương.
Hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 107 về chương trình hành động thực hiện nghị quyết 27.

Cải cách tiền lương bắt đầu thực hiện vào năm 2021 sẽ thiết kế bảng lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm. Bên cạnh trả trực tiếp bằng tiền theo chức danh, vị trí việc làm, vẫn có những loại phụ cấp thâm niên được quy theo % lương cơ bản./

Theo http://www.molisa.gov.vn