Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp tạo lập CSDL quốc gia về BHYT và y tế
05/03/2020 08:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 4/3, đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã có buổi làm việc, thảo luận về công tác phối hợp ứng dụng CNTT giữa hai ngành. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì buổi làm việc.
Đề án “Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành BHXH và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1939/QĐ-TTg (ký ngày 31/12/2019). Tại quyết định này, Thủ tướng giao BHXH Việt Nam chủ trì xây dựng, quản lý và vận hành CSDL quốc gia về BHXH. Đây là tài sản chung của quốc gia, chứa đựng các thông tin cần thiết về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và các thông tin về y tế, an sinh xã hội để thực hiện các chính sách này; đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước của các ngành liên quan như: Y tế, LĐ-TB&XH...
CSDL quốc gia về BHXH cũng kết nối, chia sẻ hai chiều với các CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia có liên quan đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với nhau. Riêng lĩnh vực BHYT và Y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đến năm 2020 phải cơ bản hoàn thành tạo lập CSDL quốc gia về BHYT và Y tế đảm bảo các quy định kỹ thuật và quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu Bộ Y tế tạo lập, cung cấp, cập nhật, bổ sung, chỉ đạo cập nhật, bổ sung các thông tin liên quan cần thiết; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực y tế với CSDL quốc gia về BHYT.
Tại buổi làm việc chiều 4/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã cùng thảo luận với các đơn vị nghiệp vụ của hai ngành về kế hoạch triển khai và giải pháp liên thông dữ liệu BHYT, dữ liệu hộ gia đình, nhằm tạo lập CSDL quốc gia về y tế dùng chung giữa hai ngành.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có 6 nội dung cơ bản mà hai bên cần thảo luận, xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện đảm bảo các yêu cầu do Chính phủ đặt ra. Đó là xây dựng cổng dịch vụ cung cấp dịch vụ công lĩnh vực y tế, để người dân có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ trực tuyến (đăng ký lịch KCB, thanh toán viện phí...); xây dựng hệ CSDL lĩnh vực y tế trên cơ sở tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng cá nhân, điện tử hóa tất cả các hồ sơ bệnh án của bệnh nhân; thống nhất cơ chế, định hướng trong việc thuê dịch vụ CNTT tại các cơ sở y tế để thực hiện mục tiêu này; hoàn thiện hướng dẫn các phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT, đặc biệt là chi trả theo nhóm chẩn đoán (DRG) dựa trên phân tích dữ liệu về chi phí BHYT đã thanh toán cho các nhóm bệnh này; chi phí xây dựng hạ tầng CNTT tại cơ sở y tế; hoàn thiện và thống nhất CSDL dùng chung. “Giải quyết được những vấn đề này sẽ tạo sự thay đổi căn bản trong thực hiện chính sách BHYT và lĩnh vực y tế”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, hiện nay, BHXH Việt Nam đang thực hiện khá tốt việc quản lý, chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với các bộ, ngành khác như: Văn phòng Chính phủ, các cơ sở KCB, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế... Đồng thời, đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng CSDL quốc gia về BHXH trên CSDL hộ gia đình tham gia BHYT, thẻ BHYT... Do đó, hai bên hoàn toàn có thể phối hợp xây dựng thành công Cổng cung cấp dịch vụ công lĩnh vực y tế, cũng như hệ dữ liệu dùng chung, hồ sơ sức khỏe điện tử...
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, hai bên cần tiếp tục bàn thảo, tìm giải pháp trong thời gian tới, nhằm thống nhất các mã thông tin để đảm bảo mỗi người dân có một mã định danh duy nhất, xây dựng quy chế chia sẻ dữ liệu... Trên cơ sở đó, từng bước tháo gỡ các vướng mắc cho từng vấn đề, đảm bảo đạt mục tiêu về xây dựng hệ CSDL mà Chính phủ đặt ra cho lĩnh vực BHYT và Y tế...
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình