Giao dịch điện tử trong thu nộp BHXH, BHYT: Bước tiến vì người dân và DN

18/02/2020 02:49 PM


Thời gian qua, việc triển khai giao dịch điện tử của ngành BHXH trong thu nộp và giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, DN và người dân.

Thay đổi từ những điều nhỏ nhất

Đến BHXH quận Thanh Xuân (Hà Nội), chúng tôi tận mắt chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, sôi động. Dù sức ép công việc lớn nhưng ai cũng vui vẻ. Trò chuyện với chúng tôi, bà Bùi Thị Dậu (trú phường Khương Đình) cho biết, bà thường xuyên tham gia giao dịch tại BHXH quận Thanh Xuân. Cũng như nhiều người khác, bà Dậu rất vui khi được cán bộ tại bộ phận “Một cửa” tiếp nhận và hướng dẫn thực hiện các thủ tục tận tình, chu đáo. 

  Theo BHXH quận Thanh Xuân, tính đến ngày 24/12/2019, BHXH quận đã tiếp nhận 123.361 lượt hồ sơ. Trong đó, có 67.246 lượt hồ sơ tiếp nhận qua giao dịch điện tử; còn số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH giảm chỉ còn 25.821 hồ sơ… Những con số này thể hiện rõ sự thay đổi vượt bậc, một bước tiến mới mà toàn Ngành đem lại cho người dân và DN, thông qua việc triển khai cải cách TTHC và ứng dụng CNTT, đặc biệt là triển khai giao dịch điện tử trong thu nộp BHXH, BHYT…

 Chia sẻ về việc thực hiện cải cách TTHC và ứng dụng CNTT, ông Nguyễn Đức Hòa- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết: “Đến nay, các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thủ tục về BHXH, BHYT rất thuận tiện, có thể lựa chọn 1 trong 3 cách: Nộp trực tiếp tại bộ phận “Một cửa”, nộp qua Internet hoặc nộp qua Bưu điện. Kể từ khi BHXH Hà Nội ứng dụng phần mềm “Một cửa điện tử”, tỉ lệ hồ sơ chậm muộn đã giảm từ gần 20% xuống chỉ còn 3%”.

 Ghi nhận tại BHXH tỉnh Nghệ An cũng cho thấy, việc giải quyết TTHC được BHXH tỉnh tuân thủ đúng nguyên tắc “Một cửa”, “Một cửa liên thông”; việc thực hiện giao dịch điện tử cũng đã đi vào ổn định. Trong năm 2019, tỉnh Nghệ An có 8.622 đơn vị SDLĐ đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và có 8.449 đơn vị đã thực hiện thành công phương thức giao dịch này, đạt tỉ lệ 98%.

 Trong khi đó, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM cũng cho biết, hầu hết các đơn vị SDLĐ đã giao dịch với cơ quan BHXH bằng chữ ký số; các cơ sở y tế cũng thực hiện chuyển dữ liệu chi phí KCB lên Cổng giám định, giúp quản lý chặt chẽ, minh bạch nguồn quỹ và đảm bảo lợi ích cho người bệnh. Ngoài ra, bộ phận “Một cửa” của cơ quan BHXH cũng được kiện toàn và ngày càng hiện đại, thân thiện.

 Những năm qua, BHXH tỉnh Lạng Sơn cũng tích cực đẩy mạnh cải cách TTHC và ứng dụng CNTT. Theo đó, BHXH tỉnh đã tạo điều kiện cho 2.601 đơn vị SDLĐ đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (đạt 98%), góp phần tạo niềm tin cho người dân, NLĐ cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh…

Đổi mới đồng bộ, toàn diện 

Có thể nói, những nỗ lực của ngành BHXH đã tạo nên những kết quả đột phá. Theo đó, hiện nay, toàn Ngành đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, tăng thêm 5 dịch vụ so với năm 2017. Đặc biệt, trong 2 năm (2018-2019), BHXH Việt Nam đã tăng cường sửa đổi, nâng cấp các phần mềm, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, DN tiếp cận, giảm thời gian kê khai, giải quyết TTHC; triển khai cấp số định danh cho người tham gia BHXH, BHYT và khai trương Trung tâm Dịch vụ khách hàng để tư vấn, giải đáp cho người dân, NLĐ về BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông với hơn 12.000 cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc. 

Trung tâm Dịch vụ khách hàng BHXH Việt Nam

 Trong khoảng 10 năm gần đây, ngành BHXH luôn tập trung quyết liệt thực hiện cải cách, cắt giảm TTHC. Theo Báo cáo công tác CCHC quý III/2019 của BHXH Việt Nam, số lượng TTHC về BHXH, BHYT đã giảm trên 70% số lượng, từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 28 thủ tục (năm 2017); đến tháng 5/2019 còn 27 thủ tục. Trong giao dịch, giải quyết TTHC về BHXH, BHYT với tổ chức, cá nhân, DN được quyết liệt triển khai thực hiện, rút ngắn thời gian xuống còn 51 giờ/năm. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã triển khai ứng dụng CNTT ở hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu như: Thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ; giám định BHYT điện tử; số hóa hồ sơ lưu trữ; tài chính-kế toán; quản lý văn bản và điều hành...

 Đáng chú ý, việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đã mang lại nhiều lợi ích cho DN, với những thay đổi tích cực được ghi nhận, như: Số lần thực hiện giao dịch điện tử của DN với cơ quan BHXH đã giảm từ 12 lần/năm trước đây xuống còn 1 lần/năm. Riêng trong năm 2018, đã có hơn 47 triệu hồ sơ trong lĩnh vực BHXH, BHYT được thực hiện qua giao dịch điện tử; đồng thời, toàn bộ ứng dụng CNTT của Ngành đã được triển khai theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử.

 Cùng với đó, BHXH Việt Nam tiếp tục duy trì bộ phận “Một cửa” tại BHXH cấp tỉnh, cấp huyện để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân. Thực hiện vận hành có hiệu quả Hệ thống “Một cửa điện tử” tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn. Đến nay, có trên 90% số đơn vị, DN đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử và toàn bộ 63 tỉnh, thành triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích.

 Những kết quả trên thực sự là nền tảng, giúp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN trong việc giao dịch TTHC với cơ quan BHXH. Qua đó, giúp BHXH Việt Nam có được thứ bậc cao trên các bảng xếp hạng của Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn