Điểm sáng trên con đường định hướng XHCN

17/02/2020 02:51 PM


Vào năm 1996, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã cảnh báo các chính phủ trên thế giới hãy “cảnh giác” với 5 mô hình tăng trưởng gây nguy hại. Đó là: Mô hình tăng trưởng không việc làm; mô hình tăng trưởng không lương tâm; mô hình tăng trưởng không tiếng nói; mô hình tăng trưởng không gốc rễ và mô hình tăng trưởng không tương lai.

 Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trong giai đoạn này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới đất nước, trong đó lựa chọn mô hình “xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”- đây là sản phẩm của tư duy đổi mới, thay thế nền kinh tế kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp bằng nền kinh tế hỗn hợp hoạt động theo cơ chế thị trường, mà ở đó kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là tên gọi mà Đảng ta đặt ra cho mô hình kinh tế hiện tại cũng như trong lâu dài, giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam xác định là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng vì con người, vì một xã hội ngày càng công bằng hơn, dân chủ hơn và văn minh hơn.

Nhiều người dân vui mừng được tham gia BHXH tự nguyện

Ngay từ khi Đảng đề ra đường lối đổi mới này, đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí một số thế lực thù địch, phản động, cực đoan còn quả quyết rằng, kinh tế thị trường không bao giờ song hành với XHCN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra các bài học kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển, góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng XHCN. Trong đó, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh.

Cũng trong hơn 30 năm qua, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với luật pháp quốc tế cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình này vẫn có nhiều thách thức. Chẳng hạn, kinh tế tăng trưởng nhưng chưa bền vững; đạo đức xã hội, văn hóa xuống cấp; nhiều vấn đề, tệ nạn xã hội nhức nhối, bức xúc phát sinh...

Thế nhưng, trên con đường mà chúng ta đang đi lại có nhiều mảng sáng về an sinh xã hội rất đáng trân trọng, trong đó nổi bật là chủ trương, chính sách và kết quả thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Điều này được thể hiện rất rõ, tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT đều theo sát và gắn với quá trình tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Cội nguồn và cốt lõi của chính sách BHXH, BHYT ở nước ta bắt nguồn từ đạo lý của dân tộc Việt Nam, kết tinh trong tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh.

Mục đích làm cách mạng của Đảng ta và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu cũng đã rất rõ, đó là làm sao “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất trăn trở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Quán triệt quan điểm này, ngay trong những năm tháng đầu thực hiện đường lối đổi mới, tuy nền kinh tế còn gặp rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề, song Đảng ta đã đề ra và thực hiện cho được chủ trương, chính sách xuyên suốt: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”. Từ những quyền cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp năm 1992, đến Hiến pháp năm 2013 đã phát triển và khẳng định “Quyền được đảm bảo an sinh xã hội”- thể hiện quan điểm coi con người là mục tiêu và trọng tâm của sự phát triển đất nước.

Chi trả lương hưu ở Cần Thơ

Những kết quả của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã thúc đẩy bước tiến liên tục của hệ thống an sinh xã hội, trong đó nổi lên là công tác BHXH, BHYT. Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (tháng 11/2012) đã khẳng định: “BHXH và BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội”. Hơn 6 năm sau, tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã tiếp tục cụ thể hóa và khẳng định: “BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước”.

Quán triệt và thực hiện các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã thể chế hóa thành các chính sách cụ thể. Nổi bật là: Từ chính sách BHXH, BHYT bắt buộc, đến nay chúng ta đã và đang phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, tự nguyện, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ BHXH, BHYT toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Từ trong thực tiễn có rất nhiều mô hình hay, cách làm tốt, những tấm gương sáng, những con số ấn tượng về thành tích, kinh nghiệm, cách làm BHXH, BHYT trong cả nước. Vào năm 2012, công tác BHXH, BHYT còn một số hạn chế, yếu kém, diện bao phủ BHXH còn thấp (mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động và số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 65% dân số). Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách còn có thiếu sót…

Do đó, chúng ta đang phải phấn đấu đến năm 2020 mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT với bước đi, lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; trên 90% dân số tham gia BHYT…

Tóm lại, đường lối chính sách BHXH, BHYT được coi là vấn đề rất hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống của toàn thể nhân dân. Từ ham muốn tột bậc của Bác Hồ “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, đến nay nhân dân ta chẳng những từng bước được ăn ngon, mặc đẹp, ai cũng được học hành suốt đời, không ngừng nâng cao trình độ học vấn, văn hóa, mà trong tương lai ai cũng có lương hưu, trợ cấp xã hội. Ngoài ra, còn được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe suốt đời, không ngừng được nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần… Đó chính là những điểm sáng trên con đường định hướng XHCN mà chúng ta hướng tới và đang nỗ lực thực hiện, với tâm thế phấn chấn, quyết liệt của toàn thể CCVC ngành BHXH cũng như cả hệ thống chính trị- xã hội.

http://baobaohiemxahoi.vn