Đưa chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với người dân

20/08/2019 09:01 AM


Người dân đăng ký tham gia và nhận sổ BHXH ngay tại Hội nghị truyền thông chính sách BHXH tự nguyện do BHXH huyện Tây Hòa tổ chức

Thời gian qua, nhiều hội nghị truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã được cơ quan BHXH phối hợp với bưu điện, địa phương, các hội đoàn thể tổ chức đến từng nhóm nhỏ đối tượng ở các thôn, buôn, khu phố, góp phần đưa chính sách nhân văn này đến với người dân.

 

BHXH tự nguyện là hình thức bảo hiểm có nhiều ưu việt, giúp những đối tượng lao động tự do, người dân khu vực nông thôn... khi tham gia sẽ giảm bớt khó khăn, rủi ro lúc về già. Chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về vấn đề tự an sinh cho bản thân, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.

Một buổi truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện do BHXH huyện Tây Hòa tổ chức thường có lượng người tham dự khiêm tốn, chỉ khoảng 50 người. Tuy ít về số lượng, nhưng những khách mời này đều được các đại lý thu BHXH chọn lựa kỹ ở những gia đình có tiềm năng tham gia.

Truyền thông theo nhóm đối tượng

Bà Ngô Thị Thúy Diễm, Phó Giám đốc BHXH huyện Tây Hòa cho biết, do am hiểu chính sách sau nhiều lần tham gia tập huấn, nhiều đại lý thu đã tiên phong tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân, người nhà, bạn bè rồi sau đó mới tuyên truyền cho người dân.

Từ kênh truyền thông của nhân viên đại lý thu, nhiều người dân đã tham gia hội nghị truyền thông chính sách để kiểm chứng lại thông tin, giải tỏa những vấn đề vướng mắc rồi đăng ký tham gia và nhận sổ BHXH tại chỗ. Việc tổ chức truyền thông theo nhóm nhỏ mang lại hiệu quả cao khi có từ một nửa, thậm chí 2/3 số người tham gia hội nghị sau đó tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH huyện Đồng Xuân là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách BHXH tự nguyện. Bà Nguyễn Thị Bắc Hải, Phó Giám đốc BHXH huyện Đồng Xuân cho biết, để đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHXH huyện đã triển khai mô hình truyền thông, tư vấn trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện cho nhóm nhỏ đối tượng có tiềm năng tại cơ sở. Trong quá trình này, nhân viên đại lý thu và cơ quan bảo hiểm, bưu điện phải “bám dân”, gặp gỡ, tiếp xúc để tư vấn cho người dân hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.

“Nội dung tuyên truyền đi sâu vào giới thiệu, tư vấn chế độ, chính sách kết hợp trình bày ngắn gọn những nội dung cơ bản của chính sách BHXH tự nguyện như: Mức đóng, mức hưởng, những ưu việt của BHXH tự nguyện so với các hình thức gửi tiết kiệm và loại hình bảo hiểm thương mại... Qua đó, người dân dần thay đổi nhận thức. Đồng thời, trong quá trình tuyên truyền, báo cáo viên luôn tương tác với người dân, đưa ra các ví dụ minh họa thực tế để thuyết phục người dân tham gia”, bà Bắc Hải nói.

Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc BHXH tỉnh nhấn mạnh: Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, cơ quan BHXH đang thực hiện đồng thời 3 giải pháp, đó là: Mở rộng đại lý thu để phát huy sức mạnh của từng hệ thống (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, ngành Y tế, MTTQ, bưu điện, UBND xã…); giao chỉ tiêu cụ thể để BHXH huyện giao chỉ tiêu đến các đại lý thu; đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng tới từng đối tượng tiềm năng…

Tạo sự yên tâm cho người dân

Chính sách BHXH tự nguyện liên quan thiết thực đến tài chính và đời sống của người dân sau khi tham gia, vì vậy, tại các hội nghị khách hàng, các báo cáo viên nhận giải đáp rất nhiều câu hỏi chi tiết, từ đó người dân cân nhắc có nên tham gia hay không.

Thống kê cho thấy, những vấn đề người dân quan tâm nhất là: Thời gian đóng tiếp theo như thế nào để được nhận lương hưu; tham gia BHXH tự nguyện nhưng giữa chừng kinh tế khó khăn, không thể tham gia tiếp thì như thế nào; chế độ chi trả cho tử tuất, về hưu khi chưa đủ thời gian như thế nào?...

Theo các chuyên viên tư vấn của BHXH, thứ nhất, nếu tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ năm thì người dân có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được linh hoạt chọn mức đóng bằng 22% mức thu nhập hàng tháng (thấp nhất là 154.000 đồng, bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất là khoảng 6,5 triệu đồng, bằng 22% của 20 lần mức lương cơ sở (gần 1,5 triệu đồng). Người dân cũng linh hoạt chọn đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc chọn đóng 1 lần tối đa 5 năm.

Với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho đủ (20 năm) để hưởng lương hưu. Nếu trong quá trình tham gia BHXH tự nguyện, người dân gặp khó khăn thì có thể tạm ngưng đóng, khi có tiền thì tiếp tục tham gia; nếu không tham gia tiếp thì cơ quan BHXH sẽ chi trả một lần. Trường hợp đang tham gia BHXH tự nguyện mà mất sớm (sau 5 năm tham gia) thì được trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở và trợ cấp tuất một lần theo số năm đã đóng BHXH. Nếu người tham gia BHXH tự nguyện mất khi đang hưởng lương hưu thì gia đình cũng được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở cộng với 48 tháng lương hưu đang hưởng (nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu)...

Tính ưu việt của việc tham gia BHXH chính là bảo lưu, tích lũy thời gian tham gia để hưởng chế độ hưu trí, đảm bảo an sinh bền vững. So với bảo hiểm thương mại, BHXH tự nguyện có tính nhân văn cao hơn vì người dân có thể an tâm tham gia để nhận lương hưu kể cả khi đau ốm, lớn tuổi. Ngoài ra, khi chết hoặc bị thương tật thì thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính chế độ trong khi với bảo hiểm nhân thọ, trong một số trường hợp, bảo hiểm sẽ không được chi trả.

Thái Hà