Nhiều dịch vụ y tế được điều chỉnh giá từ ngày 15/12/2018
14/12/2018 02:02 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ảnh minh họa: TTXVN
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2019. Riêng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ được áp dụng kể từ ngày 15/12/2018.Theo thông tư, kể từ ngày 15/12/2018, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giá.
Giá dịch vụ khám bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) đồng loạt tăng so với quy định hiện nay như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 37.000 đồng/lượt (tăng 3.900 đồng); Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (tăng 3.400 đồng); Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (tăng 2.800 đồng); Bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (tăng 2.700 đồng).
Riêng hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám chữa bệnh) thì mức giá không thay đổi là 200.000 đồng/lượt. Giá nằm giường bệnh cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng lên 753.000 đồng, cao hơn gần 70.000 đồng so với hiện hành. Tại bệnh viện hạng 1, giá dịch vụ này tăng từ 615.600 đồng lên 678.000 đồng.
Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng lên 441.000 đồng. Ở bệnh viện hạng 4, giá dịch vụ này là 242.000 đồng, tăng gần 21.000 đồng so với giá cũ. Ngoài ra, giá khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu, lái xe, khám định kỳ... cũng tăng.
Chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở y tế mới được kê thêm giường bệnh ngoài số giường kế hoạch được giao để phục vụ người bệnh và được tổng hợp để thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp: áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.
Các cơ sở y tế phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh. Đối với các bàn khám khám trên 65 lượt khám/1 ngày: cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Trong thời gian tối đa 1 quý, cơ sở y tế vẫn còn có bàn khám khám trên 65 lượt/ngày thì cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó…
Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí lần này là do lương cơ bản tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng. Mức phí trên được áp dụng thống nhất với bệnh nhân trả viện phí trực tiếp và bệnh nhân bảo hiểm y tế. Hiện trên 85% người dân có bảo hiểm y tế.
Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp cụ thể.
Thông tư áp dụng đối với các cơ sở y tế, đơn vị, tổ chức và cá nhân có tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.
Các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế thì khung giá và thẩm quyền quy định mức giá thực hiện theo Luật giá, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo TTXVN, Vietnam+
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình