Từ 1-1-2018, nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc coi như tội phạm
23/11/2017 02:08 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của tổ chức Công đoàn để bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động - Ảnh: Quochoi
Là đại biểu (DB) đầu tiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao, ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) mở đầu phát biểu của mình bằng lời chúc: "Kính chúc Chánh án có một buổi trả lời chất vấn làm hài lòng đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước".
Đi vào câu hỏi cụ thể, ĐB Bích Hạnh cho biết trong thời gian vừa qua, tình hình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động, gây bức xúc trong xã hội, nhưng chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả.
Luật Công đoàn, Bộ Luật lao động 2012, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hay gần đây nhất là Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đều có quy định tổ chức Công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại tòa án khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm.
Căn cứ các quy định của pháp luật, tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương đã nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội tại tòa án có thẩm quyền, tuy nhiên tất cả các đơn khởi kiện của tổ chức công đoàn đều bị trả lại. Lí do trả lại cũng không thống nhất.
"Xin hỏi Chánh án lí do vì sao? Vướng mắc nêu trên là do đâu và giải pháp nào để giải quyết vướng mắc này để tổ chức Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện của mình?"- ĐB Hạnh chất vấn.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết hiện nay có 102.900 đơn vị đang nợ bảo hiểm xã hội của 2,6 triệu lao động, tương đương với số tiền 14.700 tỉ đồng.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Quốc hội đã thông qua Luật Hình sự và quy định sau ngày 1-1-2018, các hành vi vi phạm nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc, coi như là tội phạm.."- Ảnh chụp màn hình
Theo một số văn bản như ĐB đã nêu, tức tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện, ông Bình cho biết thời gian qua, trong thực tế các tổ chức công đoàn đã khởi kiện 138 vụ, quá trình xét xử có một số vướng mắc.
Vướng về mặt luật, theo Chánh án TAND Tối cao, đây là kiện dân sự. Theo quy định của dân sự, các bên - bên nguyên đơn và bên bị đơn - là bình đẳng với nhau, theo nguyên tắc "việc dân sự cốt ở đôi bên" và có quyền thỏa thuận.
"Và trong trường hợp này, Công đoàn có quyền khởi kiện nhưng không có quyền thỏa thuận, bởi Công đoàn cũng không có quyền đứng trước tòa để nói tăng tiền đóng bảo hiểm cho doanh nghiệp này, giảm mức đóng cho doanh nghiệp kia. Công đoàn không có quyền đại diện để thỏa thuận các việc kiện dân sự, cho nên vụ án không giải quyết được theo trình tự nào cả".
Để tháo gỡ, Chánh án TAND Tối cao cho biết đây là vấn đề rất nóng, muốn hay không cũng phải giải quyết, phải tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đặc biệt là khi người lao động nghỉ hưu.
"Quốc hội đã thông qua Luật Hình sự và quy định sau ngày 1-1-2018, các hành vi vi phạm nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc coi như là tội phạm. Và trách nhiệm của tòa án các cấp, nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc, viện kiểm sát truy tố, thì tòa án các cấp phải thụ lý theo đúng quy định của luật"- Chánh án nêu rõ.
"Chúng tôi đã quán triệt đến toàn hệ thống tòa án để chuẩn bị thực thi Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự"- ông Nguyễn Hòa Bình cho hay.
"Riêng trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, chúng tôi sẽ có nghị quyết để hướng dẫn xử lý, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc"- Chánh án TAND Tối cao khẳng định.
Chưa đồng thuận với trả lời của Chánh án TAND Tối cao, các ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)… bấm nút tranh luận.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến vướng mắc Công đoàn gặp phải trong thực hiện quyền khởi kiện mà Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã nêu là do quy định của pháp luật, song ĐB Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, chưa đồng tình với giải pháp mà Chánh án đưa ra.
Theo bà Hạnh, tới đây tiến hành xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. "Đây là giải pháp có thể thu hồi, giảm bớt các khản nợ bảo hiểm xã hội, nhưng không phải giải pháp để thực hiện quyền khởi kiện của Công đoàn"- ĐB Trương Thị Bích Hạnh nói.
Hiện nay, có đến 4 luật quy định quyền tổ chức công đoàn được đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động bị xâm phạm. Theo đó, quyền của tổ chức công đoàn cũng chính là trách nhiệm của Công đoàn đối với người lao động. "Nếu pháp luật quy định như thế, nhưng thực tế không thực hiện được thì pháp luật chỉ nằm trên giấy. Điều này gây bức xúc cho cử tri là người lao động trong thời gian vừa qua"- ĐB Hạnh thẳng thắn.
"QH tiến hành nghiên cứu, rà soát tháo gỡ vướng mắc này từ quy định của pháp luật"- ĐB Hạnh đề nghị.
Cùng quan điểm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng nếu nói như Chánh án TAND Tối cao thì "dường như chúng ta đang áp dụng sai Hiến pháp".
ĐB Nhưỡng nhấn mạnh tại điều 10 Hiến pháp và điều 1, Luật Công đoàn đã quy định, Công đoàn đại diện cho người lao động. "Bây giờ chúng ta lại giải thích Công đoàn phải nhận giấy ủy quyền có đóng dấu và có chữ ký, công chứng - đây là quyết định có tính vi hiến"-ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói và khẳng định Hiến pháp là cao nhất, không thể có quy định khác vượt Hiến pháp và không thể áp dụng quy định khác, đặt ra quy định khác.
Theo http://nld.com.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình