Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu: Cần thiết và thực chất
24/11/2016 04:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Đồng thời có quy định một số trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn và ở tuổi cao hơn nhưng không cao quá 05 năm so với quy định trên.
Luật BHXH năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 quy định điều kiện nghỉ hưu đúng tuổi và nghỉ hưu trước tuổi. Đối với trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được quy định tại một số Nghị định của Chính phủ: số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sỹ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học, số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 đối với một số chức danh khoa học, công nghệ, số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 đối với một số chức danh của cán bộ, công chức, trong đó có quy định phải đáp ứng một số điều kiện như về sức khỏe, về khả năng đáp ứng công việc...
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay được quy định là 60 đối với nam, 55 đối với nữ, độ tuổi này đã duy trì từ rất lâu (từ năm 1960, thời điểm này chưa có quy định người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH nhưng khi nghỉ hưu đều được Nhà nước chi trả), đến nay độ tuổi này vẫn chưa thay đổi.
Trong khi về chính sách có điều chỉnh nhiều lần, đặc biệt từ năm 1995 đến nay, BHXH thực hiện theo nguyên tắc "có đóng có hưởng", người trẻ đang đi làm đóng tiền vào quỹ BHXH để quỹ chi trả lương hưu cho người nghỉ hưu, thời điểm này, người Việt Nam có tuổi thọ trung bình khoảng 67 tuổi, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54, thời gian hưởng lương hưu khoảng 13 năm thì thấy hợp lý. Hiện nay, tuổi thọ bình quân tăng lên 73, thời gian bình quân đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên dẫn đến thời gian hưởng lương hưu kéo dài khoảng 20 năm, tức là tăng thêm 7 năm thì quỹ chắc chắn mất cân đối sớm.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam thì thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỉ lệ cao, trên 50%. Nguyên nhân của tình trạng tuổi nghỉ hưu thấp là do: Luật BHXH năm 2006 quy định tỉ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thấp, chỉ 1%, sang Luật BHXH năm 2014 đã điều chỉnh nâng lên 2%. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỉ lệ giảm trừ này phải từ 5% đến 6% thì mới hạn chế số người nghỉ hưu trước tuổi; Quy định giảm tuổi nghỉ hưu trong chính sách tinh giản biên chế, giải quyết đối với lao động dôi dư,... và các nhóm đối tượng khác trong Luật BHXH cũng chưa thực sự hợp lý làm cho tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế thấp hơn nhiều so với quy định (đối tượng này thường giảm từ 1 đến 5 tuổi).
Quỹ BHXH là quỹ tài chính dài hạn với nguyên tắc cơ bản là đóng và hưởng, được hình thành chủ yếu từ đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước trong một số trường hợp nhằm bảo đảm khả năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ, có sự chia sẻ giữa các thế hệ người lao động theo quy định của pháp luật về BHXH.
Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, Nhà nước ban hành các chính sách nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ để bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Hiện nay đang có sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng của quỹ hưu trí, chủ yếu do: Tỉ lệ đóng là 22% tiền lương tháng, trong khi tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH). Tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao so với bình quân các nước trên thế giới (chỉ là 1,7%); Quy định điều kiện hưởng BHXH một lần quá thuận lợi và mức hưởng tăng lên so với quy định cũ (những năm đóng từ năm 2014 trở đi được tăng từ 1,5 tháng lên 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH).
Với hai lý do: tuổi thọ của người dân ngày càng tăng và sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của quỹ BHXH trong dài hạn nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Theo BHXH Việt Nam, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết và thực chất là đưa chế độ hưu trở về bản chất - chế độ bảo hiểm tuổi già
Hiện nay, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nêu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cân đối quỹ BHXH. Là cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam thống nhất với chủ trương cần điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, với những lý giải như sau: Theo nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển như: Mỹ, Đức, Ý, Tây Ban Nha và các nước trong khu vực như Lào, Campuchia… thì khi tuổi thọ bình quân tăng họ đều có chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên tương ứng nhằm đảm bảo giữ vững ổn định quỹ hưu trí. Ở Việt Nam tuổi thọ bình quân tăng nên việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp. Trước mắt có thể thực hiện đối với một số nhóm đối tượng, sau đó mở rộng ra toàn bộ lực lượng lao động, theo hướng bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, đặc điểm tâm sinh lý, điều kiện lao động, tận dụng nguồn lao động chất lượng cao nhưng cũng phải tính đến việc bố trí việc làm cho lao động trẻ.
Số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu của nước ta ngày càng giảm, nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 1 người hưởng thì năm 2000 giảm xuống 34 người, năm 2012 là 9,3 người, đến năm 2015 chỉ có 8,13 người đóng cho 1 người hưởng. Trong khi số người hưởng BHXH một lần hàng năm lớn dẫn đến quỹ phải chi tiền sớm và mục đích an sinh xã hội lâu dài cho mọi người lao động chưa đạt được. Đồng thời với quy định tăng tuổi nghỉ hưu cần bổ sung quy định: Khi đã đủ tuổi nghỉ hưu mà người lao động tiếp tục làm việc thì tiếp tục được đóng BHXH. Trong quá trình làm việc quá tuổi nếu người lao động dừng làm việc tại bất kỳ thời điểm nào thì đều được hưởng lương hưu mà không bị ràng buộc bởi điều kiện nào (tính cơ động cao phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, đồng thời cũng là quy định mở cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động khi hai bên đều có nhu cầu và người lao động đáp ứng đủ các điều kiện như: Kinh nghiệm, tay nghề, trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật).
BHXH Việt Nam cũng cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức nhạy cảm và tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội, do vậy để tạo sự đồng thuận cao, cơ quan chủ trì phải tính toán hết sức khoa học và chặt chẽ, trong quá trình triển khai cần có sự chuẩn bị về tâm lý cho người lao động, người sử dụng lao động và cần có lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, phải lường trước những tác động của chính sách, để khi chính sách mới ban hành phải mang lại những điều tốt hơn cho người lao động, cho người dân, đồng thời phải bảo đảm lợi ích kinh tế và tài chính lâu dài cho đất nước.
Theo baohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình