BHYT đối với sinh viên đại học, cao đẳng cần có sự đột phá
30/08/2016 04:28 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Luận bàn về nguyên nhân
Số liệu tổng hợp năm học 2015-2016 cho thấy tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia dưới 70%. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh phổ thông tham gia BHYT đã đạt 96%, nhiều trường đã đạt 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT mới chỉ đạt trên 70%, cá biệt một số trường đại học có số sinh viên tham gia BHYT đạt thấp dưới 50%. Tại các trường tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp, tình trạng phổ biến là sinh viên chỉ tham gia năm đầu vào trường, tỷ lệ tham gia luôn giảm dần ở các năm học sau. Thực tế đó đòi hỏi cần tìm nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục để thúc đẩy sự tham gia triệt để ở nhóm đối tượng rất có tiềm năng này.
Nguyên nhân chung, phổ biến của tình trạng sinh viên tham gia BHYT chỉ đạt tỷ lệ thấp tập trung chủ yếu ở một số điểm sau:
- Thứ nhất, đây là nhóm đối tượng đang ở độ tuổi có sức khỏe tốt, ít mắc các bệnh mãn tính nên không chú trọng đến việc cần phải có BHYT, có HSSV còn tỏ thái độ xem thường, coi nhẹ việc mua BHYT. Phần lớn sinh viên chỉ tham gia khi bị thúc ép ráo riết của nhà trường.
- Thứ hai, sinh viên chưa làm ra tiền, còn phụ thuộc vào sự chu cấp của gia đình, còn thiếu thốn nhiều cho nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí nên khi có được khoản tiền từ cha mẹ theo định kỳ thì luôn dành ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu khác và thường không quan tâm đến việc phải đóng tiền mua BHYT. Với sinh viên mới nhập trường thì do còn e ngại, căn cứ trên thông báo của trường khi nhập học có liệt kê rõ khoản nộp bắt buộc là BHYT nên thường là tham gia đầy đủ với kinh phí ban đầu từ cha mẹ; từ năm học sau khi đã vào trường ổn định thì nảy sinh xu hướng lừng chừng, thoái thác việc tham gia. Xu hướng này được truyền nhanh chóng đến đông đảo sinh viên cùng lớp, kéo theo cả nhóm bạn bè cùng hoàn cảnh đua nhau tìm lý do để trì hoãn, lần lữa và rồi thoái thác tham gia BHYT.
- Thứ ba, còn thiếu chế tài bắt buộc sinh viên tham gia, nhà trường thiếu quyết liệt trong việc vận động và thu đóng BHYT. Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc nhưng thực tế lại chưa có quy định chế tài bắt buộc, do vậy BHYT cho sinh viên vẫn chỉ là tham gia trên tinh thần vận động là chủ yếu. Ngành giáo dục chưa có hình thức kỷ luật sinh viên nếu họ không đóng BHYT, lại cũng không thể buộc sinh viên nghỉ học. Năm học 2015-2016 – năm đầu tiên triển khai BHYT theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, một số cơ sở giáo dục đại học mạnh dạn thực hiện hình thức kỷ luật sinh viên không đóng BHYT bằng hình thức trừ điểm vào thang đánh giá điểm rèn luyện cuối học kỳ nhưng không nhận được sự đồng tình của phần lớn sinh viên tại trường; việc thu đóng BHYT thường được giao cho đại diện lớp học, khóa học nên hiệu quả thấp, việc tham gia BHYT chưa trở thành nền nếp, thành phong trào cụ thể, không gắn với các chỉ tiêu thi đua của nhà trường.
- Thứ tư, trong khi phần trích lại từ Quỹ BHYT dành chi cho y tế học đường được hướng dẫn quyết toán hết sức chặt chẽ do là chính sách An sinh xã hội của Nhà nước thì các loại hình bảo hiểm thương mại, bảo hiểm thân thể của các đơn vị bảo hiểm thương mại thường dành chi phí hoa hồng cao hơn so với BHYT trích lại, một số nhà trường quan tâm tới bảo hiểm thương mại hơn, dẫn đến việc tham gia BHYT trong nhiều trường đại học, cao đẳng đạt tỷ lệ thấp.
- Thứ năm, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho sinh viên ngay tại trường học là bằng chứng thực tế nhất để sinh viên thấy được lợi ích của BHYT, nhưng y tế học đường tại các trường đến nay tuy đã được củng cố từng bước nhưng vẫn còn yếu và thiếu; sinh viên mỗi khi đau ốm thường đi khám dịch vụ ở ngoài hoặc ra hiệu thuốc kê bệnh mua thuốc, bỏ qua y tế nhà trường.
- Thứ sáu, công tác tuyên truyền vận động sinh viên tham gia BHYT còn hạn chế, hình thức chưa phong phú, đơn giản về nội dung, làm cho sinh viên nhàm chán, không chú ý. Chưa chú trọng tuyên truyền rõ quyền lợi, trách nhiệm, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT, do vậy chưa thuyết phục sinh viên tích cực tham gia BHYT.
- Thứ bảy, trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật của các tổ chức đoàn, hội tại nhà trường (Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên) với sinh viên, chưa chú trọng nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT.
Giải pháp thúc đẩy sinh viên tham gia BHYT trong năm học tới
Bên cạnh những biện pháp đã và đang thực hiện hàng năm như: tiếp tục vận động học sinh, sinh viên tích cực tham gia vì quyền lợi của chính bản thân các em, hướng dẫn thủ tục thu đóng phí, hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, hướng dẫn đi khám, chữa bệnh và sử dụng thẻ BHYT đúng quy định thì cần có bước đột phá mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, cụ thể ở một số điểm sau:
- Một là, cần có chế tài bắt buộc mạnh mẽ hơn từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục để sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT. Luật đã quy định bắt buộc thì việc đưa ra quy định bắt buộc tham gia là cần thiết và phù hợp. Chỉ khi đó mới có thể đảm bảo tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT đầy đủ và liên tục ở mọi khóa học, không chỉ ở năm đầu khóa.
- Hai là, Nhà nước xem xét có thể tăng mức hỗ trợ tối thiểu cho HSSV, tiếp theo đó là từng địa phương hỗ trợ thêm cho HSSV của địa phương mình. Nội dung này đã được quy định trong Luật, từng địa phương tùy điều kiện khả năng của mình hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu của ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho một bộ phận sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT.
- Ba là, khuyến khích sinh viên đóng phí cả khóa học bằng cách thực hiện giảm mức đóng cho các năm học sau tương tự như thực hiện giảm mức đóng đối với hộ gia đình có đông người tham gia BHYT đã quy định trong Luật BHYT; ví dụ nếu sinh viên đóng phí cho cả khóa học thì mức phí của năm thứ 02 được giảm 10%, năm thứ 03 được giảm 20% mức đóng v.v...
- Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh vận động tuyên truyền bằng nhiều hình thức hấp dẫn, đổi mới về nội dung và phương pháp, tạo hứng thú và chú ý của sinh viên. Đặc biệt từ năm học này, trong công tác tuyên truyền cần nhấn mạnh đến việc điều chỉnh giá các dịch vụ khám chữa bệnh tăng lên 50% so với trước đây, sinh viên không có BHYT sẽ rất khó khăn nếu chẳng may ốm đau bệnh tật phải khám, chữa bệnh tại bệnh viện các tuyến. Đồng thời cũng nói rõ để sinh viên biết việc thông tuyến khám, chữa bệnh đem lại nhiều thuận lợi cho người có thẻ, được khám, chữa bệnh thuận tiện ở mọi cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương trên phạm vi cả nước. Qua đó giúp sinh viên nắm bắt kịp thời và rõ ràng các quyền lợi cơ bản và cách thức sử dụng thẻ BHYT hiệu quả và đúng đắn khi đi khám chữa bệnh.
- Năm là, tổ chức thu BHYT thuận tiện cho sinh viên, chuyển thẻ BHYT đến sinh viên kịp thời, hạn chế nhầm lẫn sai sót, cấp đổi cấp lại thẻ thuận tiện khi sinh viên bị mất thẻ là những việc tuy nhỏ nhưng có tác động tâm lý đến sự tin cậy của sinh viên.
- Sáu là, nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học bền vững, giải quyết chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời cho sinh viên ngay tại y tế học đường; đẩy mạnh cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công để sinh viên có thẻ BHYT được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận khám, chữa bệnh; từ đó mới có thể tăng tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT một cách bền vững, tăng tỷ lệ số trường đại học cao đẳng có 100% sinh viên tham gia BHYT, góp phần hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT vào năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Năm học mới đã sắp đến, lại tiếp tục một chu kỳ triển khai BHYT cho HSSV với nhiều thuận lợi hơn so với năm học trước, nhất là những quy định mới về thông tuyến khám, chữa bệnh, về giá dịch vụ được điều chỉnh. Tất cả đang tác động lớn đến suy nghĩ và hành động của các nhóm đối tượng BHYT nói chung và nhóm HSSV nói riêng. Bằng các biện pháp cụ thể có tính đột phá ở mỗi trường học, lớp học, mỗi địa phương, hy vọng năm học mới này công tác BHYT học sinh, sinh viên, đặc biệt là tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT sẽ có nhiều khởi sắc, khắc phục những trì trệ chậm chạp kém hiệu quả của những năm trước đó, tạo thêm động lực và niềm tin vào thành công của mục tiêu BHYT toàn dân trên cả nước./.
Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình