BHYT toàn dân - Nguồn lực quan trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân
13/01/2017 07:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việt Nam đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong phát triển BHYT toàn dân, với tỷ lệ gần 80% dân số tham gia. Trước những yêu cầu mới, Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn, điều chỉnh chỉ tiêu phát triển BHYT trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu đạt 90% dân số tham gia vào năm 2020. Có thể khẳng định, thực hiện BHYT toàn dân sẽ là nguồn động lực lớn cho phát triển y tế, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Từ góc nhìn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là điều hết sức đúng đắn. Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân được định nghĩa là: “Mọi người dân khi ốm đau đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết mà không phải chịu các chi phí lớn”. Các “chi phí lớn” ở đây được hiểu là các chi phí hộ gia đình phải trả trực tiếp, từ tiền túi, cho bên cung ứng dịch vụ trong trường hợp ốm đau và sử dụng dịch vụ. Hiện tại, ở Việt Nam, bệnh nhân phải chi trả trực tiếp từ tiền túi - kể cả bệnh nhân có BHYT - còn khá cao. Việc này sẽ dẫn đến hệ lụy không tốt về sức khỏe. Đó là, người dân sẽ ngại đi khám, chữa bệnh nếu không đủ tiền; trì hoãn hay tự mua thuốc chữa bệnh làm bệnh nặng thêm, hoặc đến cơ sở khám, chữa bệnh và phải trả nhiều tiền, bị nghèo hóa do ốm đau và chi trả cho dịch vụ y tế. Vì vậy, Việt Nam, cùng với mọi quốc gia trên thế giới, đều luôn nỗ lực để giảm thu/chi trực tiếp từ tiền túi của bệnh nhân cho dịch vụ y tế; nói cách khác, là phấn đấu để đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Để đạt được mục tiêu này, việc tài chính hay chi trả cho các dịch vụ y tế cần được thực hiện thông qua các cơ chế tài chính công, đó là từ ngân sách nhà nước hoặc từ Quỹ BHYT xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, chọn BHYT như một giải pháp chính để đạt mục tiêu này. Tuy nhiên, BHYT toàn dân không tự động đồng nghĩa với bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Khi và chỉ khi các nguồn tài chính từ BHYT đủ lớn và được sử dụng hiệu quả, bệnh nhân khi ốm đau, sử dụng dịch vụ y tế không phải chi trả thêm quá nhiều từ tiền túi, thì bao phủ BHYT sẽ thực sự là bao phủ về chăm sóc sức khỏe. Trong hơn 20 năm qua, với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 80% dân số. Nguồn lực từ BHYT đang ngày một lớn hơn và là một nguồn lực quan trọng để phát triển hệ thống y tế, tăng tiếp cận dịch vụ cho người dân. Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm đạt 90% dân số tham gia BHYT vào năm 2020, thể hiện một cam kết chính trị mạnh mẽ, WHO hoàn toàn ủng hộ và tin rằng mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Song song với việc mở rộng bao phủ BHYT, Việt Nam cũng đang có những nỗ lực để hiện đại hóa hệ thống BHYT, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin về khám, chữa bệnh, chi phí, giám sát đánh giá… giúp việc sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT và BHYT sẽ thực sự là cơ chế bảo vệ tài chính trong chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù vậy, việc mở rộng và tiến tới đạt bao phủ BHYT toàn dân là một điều kiện cần nhưng chưa đủ, còn rất nhiều thách thức mà Việt Nam sẽ cần vượt qua. Có thể kể đến vấn đề về chất lượng dịch vụ nói chung; sự quá tải ở hệ thống bệnh viện và hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; sự đề cao điều trị thay vì dự phòng; đề cao kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền thay vì sử dụng các giải pháp có tính chi phí hiệu quả cao hơn... Thế nhưng, việc đạt được mức độ bao phủ BHYT cao sẽ giúp Việt Nam tháo gỡ nhiều khó khăn về y tế, đó là:
- Quỹ BHYT sẽ lớn hơn, đủ lớn để tăng khả năng chia sẻ rủi ro giữa người tham gia; gói quyền lợi BHYT cũng có thể được mở rộng hơn, giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi của bệnh nhân.
- Các chính sách về khám, chữa bệnh BHYT (khám, chữa bệnh, kê đơn theo phác đồ điều trị chuẩn, thực hành kê đơn sử dụng thuốc thiết yếu tên gốc...) sẽ có điều kiện để xây dựng một cách đồng bộ, nhất quán toàn hệ thống và toàn quốc gia, giúp sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả, giảm lãng phí.
- Phương thức chi trả cho cơ sở khám, chữa bệnh có thể giúp định hướng nguồn lực tập trung hơn vào chăm sóc sức khỏe ban đầu – một yếu tố quan trọng trong chăm sóc sức khỏe - đến tận gia đình, cộng đồng với chi phí thấp.
- Việc giám sát thực hiện khám, chữa bệnh về chất lượng, chi phí sẽ được chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa toàn hệ thống, thông qua cơ chế giám định và thanh toán BHYT.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc cung ứng và sử dụng dịch vụ, trong thu thập số liệu, phân tích, giải quyết tình huống một cách minh bạch, kịp thời.
- Có thể nói, việc mở rộng bao phủ BHYT sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống BHYT và củng cố vai trò của BHYT như một “đòn bẩy” để đạt các mục tiêu của hệ thống y tế quốc gia (sự công bằng, hiệu quả trong sử dụng nguồn lực, chất lượng và bảo vệ về tài chính cho người dân khi ốm đau).
Từ thực tiễn quan sát, đánh giá tại các quốc gia đang phát triển tương tự, dự báo Việt Nam cũng sẽ gặp phải khó khăn, thách thức nhất định trong quá trình phát triển, mở rộng diện bao phủ, cũng như tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT:
- Trong quá trình phát triển mở rộng bao phủ BHYT, Việt Nam sẽ gặp một số thách thức như mở rộng bao phủ cho người lao động và thân nhân họ trong khu vực kinh tế chính thức khó khăn, do sự tuân thủ của khối doanh nghiệp chưa cao, các cơ chế khuyến khích và chế tài hợp lý chưa mạnh. Trong mở rộng bao phủ cho người lao động và thân nhân họ trong khu vực kinh tế phi chính thức (lao động tự do ở khu vực thành thị, hộ nông, lâm, ngư nghiệp ở khu vực nông thôn...) rất khó để xác định mức thu nhập và thu được phí BHYT từ họ.
- Sự phát triển không đồng đều của hệ thống y tế giữa các tuyến và giữa các khu vực địa lý, dẫn đến chất lượng không đồng đều; trong khi đó, chất lượng dịch vụ y tế không đảm bảo thì không thể thực hiện thành công BHYT; làm giảm sự tin tưởng và mong muốn tham gia BHYT của người dân. Công tác tuyên truyền cần thực hiện tốt hơn để mọi người dân và chính quyền các cấp hiểu, BHYT là một chính sách nhân văn; để chính sách BHYT xã hội thực hiện hiệu quả, cần có sự đóng góp của cả ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và các hộ gia đình có thu nhập.
- Sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong hỗ trợ ngân sách cho người dân tham gia, cũng như đầu tư và xây dựng hệ thống y tế có vai trò quan trọng. Kinh nghiệm quôc tế chỉ ra rằng, để mở rộng bao phủ BHYT trong khối kinh tế chính thức, cần có chế tài mạnh và nghiêm để tăng tính tuân thủ của doanh nghiệp. Với khối phi chính thức, các quốc gia dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp. Việt Nam đã hỗ trợ BHYT cho hộ gia đình nghèo, nên chăng, có thể xem xét mở rộng hỗ trợ thêm cho hộ cận nghèo, hộ có người cao tuổi, hộ có nhiều trẻ em, đông con.
- Cuối cùng, là thách thức trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, trong đó lớn nhất là sự ăn khớp trong chính sách, quy định, văn bản hướng dẫn... của Ngành BHXH và Y tế. Bởi BHYT là một chính sách trong đó có rất nhiều bên liên quan: Lập chính sách; tổ chức thực hiện; cung ứng thuốc - dịch vụ; tham gia (người lao động) và sử dụng dịch vụ (bệnh nhân), tất cả các bên đều cần có tiếng nói trong xây dựng chính sách và thực hiện. Do đó, cần minh bạch hóa và thể chế hóa quy trình ra quyết định liên quan đến BHYT, bảo đảm tính kịp thời, có chất lượng, dung hòa được lợi ích của các bên liên quan, tăng niềm tin của người dân.
Theo tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...