Sẽ có những biện pháp đủ mạnh xử lý DN nợ BHXH

17/07/2023 02:15 PM


Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu về trả lời chất vấn của ĐBQH liên quan đến chính sách BHXH, BH thất nghiệp.

Trả lời chất vấn của ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) về sử dụng quỹ BH thất nghiệp, BHXH để hỗ trợ hoặc cho các DN vay không tính lãi giúp các DN tiếp tục tuyển dụng và sử dụng NLĐ, Bộ LĐ-TB và XH cho biết, Bộ đã tham mưu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban TVQH ban hành Nghị quyết số 03/2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với NLĐ theo Nghị quyết số 03.

Chính sách được triển khai thực hiện đã hỗ trợ cho 13.334.207 NLĐ với số tiền hơn 31.836 tỷ đồng, hỗ trợ giảm đóng BH thất nghiệp cho 346.664 đơn vị SDLĐ với số tiền hơn 9.210 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền đã hỗ trợ cho NLĐ và người SDLĐ là hơn 41.046 tỷ đồng, số tiền được trích từ nguồn quỹ BH thất nghiệp.

Đặc biệt, theo quy định hiện hành về BH thất nghiệp tại Luật Việc làm, việc hoạt động đầu tư từ quỹ BH thất nghiệp không có quy định về việc sử dụng quỹ BH thất nghiệp để hỗ trợ hoăc cho các DN vay không tính lãi. Vì vậy, việc quyết định mục đích sử dụng quỹ BH thất nghiệp thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.

Về quỹ BHXH, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế quản lý tài chính về BHXH; chi phí quản lý BHXH. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện quản lý tài chính về BHXH. Ngày 18/5/2023, Bộ Tài chính đã có văn bản số 5025/BTC-HCSN đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý quỹ BHXH. Luật BHXH năm 2014 không quy định phải có chiến lược đầu tư dài hạn và kế hoạch đầu tư trung hạn; ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn quỹ đi đôi với sinh lời; danh mục đầu tư chủ yếu là đầu tư trái phiếu chính phủ, cho NSNN vay và gửi tiền tại các ngân hàng thương mại; chưa quy định hình thức ủy thác đầu tư.

Liên quan đến chất vấn của ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) về xử lý khi: “Hiện nay, đã và đang diễn ra tình trạng DN SDLĐ trốn thiếu đóng BHXH; nợ BHXH; DN đã giải thể, đã phá sản hoặc có chủ DN là người nước ngoài đã bỏ trốn khỏi Việt Nam, để lại khoản nợ tiền lương, tiền BHXH và nỗi bức xúc đối với những người làm công ăn lương đang rất khó khăn, chật vật trong cuô sống. Thực trạng này đang rất cần những biện pháp cụ thể, quyết liệt, hữu hiệu và đồng bộ để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ”. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề bảo đảm quyền lợi về BHXH của NLĐ trong các đơn vị, DN đang nợ đóng BHXH, đặc biệt là các DN phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh hoặc không còn người đại diện theo pháp luật, Bộ LĐ-TB và XH đã trình Chính phủ có báo cáo số 193/BC-CP ngày 13/5/2019 gửi Quốc hội về nội dung này. Ngày 14/3/2023, Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục có Báo cáo số 30/BC-LĐTBXH gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan về tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thống nhất với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, để kịp thời giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ tại các đơn vị, DN đang chậm đóng BHXH (phá sản, đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động, không còn người đại diện theo pháp luật), Bộ LĐ-TB và XH đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam về thực hiện chế độ BHXH đối với NLĐ theo hướng: Giải quyết chế độ BHXH đối với trường hợp đã đủ điều kiện (lương hưu, BHXH một lần, tử tuất); xác nhận thời gian đã đóng BHXH để NLĐ tiếp tục tham gia tại đơn vị mới hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH. Đồng thời, Bộ LĐ-TB và XH cũng đề nghị BHXH Việt Nam tăng cường thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp và đảm bảo chế độ cho NLĐ.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB và XH đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trên cơ sở tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 và định hướng hoàn hiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH tại Nghị quyết số 28 để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) như: Bổ sung quy định làm rõ khái niệm “trốn đóng BHXH”; quy định phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng BHXH; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn; quyết định hoãn xuất cảnh; khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của người SDLĐ, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn