Đề xuất hỗ trợ tiền đóng khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
29/05/2023 08:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo dự thảo Nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động tham gia chính sách này được đề xuất hỗ trợ tiền đóng trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động hằng tháng từ Nhà nước. Mức hỗ trợ cao nhất có thể lên tới 30% với người thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Liên đoàn Lao động Hà Nội tặng quà công nhân bị tai nạn lao động. (Ảnh: nhandan.vn)
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến với dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (gọi tắt là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện). Thời hạn góp ý cho văn bản này đến hết ngày 22/7/2023.
Một trong những nội dung đáng quan tâm của dự thảo Nghị định là Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Quỹ này thuộc Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, được thực hiện theo quy định tại các điều: 84, 90, 91 và 92 của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị định này.
Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động được tính căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định.
Mức hưởng trợ cấp, mức hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động và thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, sử dụng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện tập trung vào 4 nội dung chính.
Một là, Quỹ được sử dụng chi trả các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Hai là, chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thực hiện theo nội dung chi phí quản lý quy định tại Điều 90 Luật Bảo hiểm xã hội.
Ba là, chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động hằng tháng.
Bốn là, đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định tại Điều 91 và Điều 92 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hằng tháng bằng 2% mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định.
Nguồn hình thành Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ người lao động tham gia đóng, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ theo quy định tại Điều 92 Luật Bảo hiểm xã hội, hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác.
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội theo 1 trong 4 phương thức đóng. Đó là: hằng tháng, 3 tháng/6 tháng/12 tháng một lần.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần mà trong thời gian đó, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng IV mới mới thì việc đóng bổ sung hoặc hoàn trả số tiền đã đóng được thực hiện như sau:
Nếu mức lương tối thiểu vùng IV mới công bố cao hơn mức đóng cũ, người lao động không phải đóng bổ sung mức chênh lệch số tiền đã đóng.
Nếu mức lương tối thiểu vùng IV mới thấp hơn mức tiền đã đóng, số tiền chênh lệch được tính để giảm cho kỳ đóng tiếp theo, hoặc hoàn trả lại vào cuối kỳ nếu người lao động không tiếp tục tham gia bảo hiểm tai nạn lao động hoặc ngừng tham gia theo các trường hợp quy định.
Dự thảo Nghị định này cũng đề xuất, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động hằng tháng.
Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;
Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; hộ nghèo đa chiều thiếu hụt về tiêu chí bảo hiểm y tế;
Bằng 10% đối với đối tượng người lao động khác.
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền, ngân sách nhà nước hỗ trợ theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Tính đến cuối năm 2022, theo báo cáo của Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn kết dư khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
Cơ quan tài chính căn cứ quy định về phân cấp quản lý ngân sách của địa phương và bảng tổng hợp đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến, có trách nhiệm chuyển kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội 6 tháng một lần.
Kinh phí hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành. Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các địa phương ngân sách khó khăn.
Dự thảo Nghị định cũng đề cập tới các quyền của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được đề xuất hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng.
Nguồn: Cục An toàn lao động.
Cùng với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và nghề nghiệp là những trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội. Chính sách này nhằm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm, mất thu nhập do mất sức, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc.
Tính đến cuối năm 2022, Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn kết dư khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Còn với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022, cơ quan này đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và một lần cho gần 8.200 người. Tổng kinh phí chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, con số này đạt 269 triệu đồng.
Ngân Anh
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...