Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ thông qua tại Kỳ họp bất thường

04/01/2023 10:09 AM


Chiều 3/1, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.

Giới thiệu chương trình và nội dung Kỳ họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu rõ, Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu, BCH trung ương Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Hai có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.

Cụ thể, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 Nghị quyết gồm: Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Nghị quyết về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương. Quốc hội cũng xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về công tác nhân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, công tác nhân sự luôn là một trong những nội dung quan trọng, nằm trong chức năng của Quốc hội. Lần này, tại Phiên họp trù bị chiều 4/1, các ĐBQH sẽ chính thức biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp, trong đó, dự kiến có công tác nhân sự. Sau khi được biểu quyết thông qua, thì mới quyết định có trình Quốc hội về công tác nhân sự hay không, quy trình, thủ tục về công tác nhân sự rất chặt chẽ.

Liên quan đến những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, tự chủ bệnh viện là vấn đề khó. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường đã quy định, đối với bệnh viện công, Nhà nước bảo đảm nguồn chi các hoạt động do Nhà nước giao nhiệm vụ để thực hiện; khi tự chủ bệnh viện sẽ được tự chủ cả về tổ chức, nhân sự, phát triển chuyên môn và các hoạt động khác theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết về tự chủ bệnh viện.

Về xã hội hóa, dự thảo Luật quy định theo hướng Nhà nước khuyến khích xã hội hóa và có chính sách ưu đãi; ghi nhận các hình thức xã hội hóa phổ biến và giao Chính phủ quy định chi tiết. Về giá dịch vụ KCB, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn, không dẫn chiếu theo Luật Giá. Dự thảo Luật cũng xác định yếu tố hình thành giá, chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh, nguyên tắc định giá, căn cứ định giá và thẩm quyền, trong đó, giao Bộ Y tế quy định phương pháp định giá chung.

Phát biểu kết luận cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về những nội dung Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai để cử tri, Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn