Tiết kiệm để có lương hưu chăm lo cuộc sống khi tuổi già
17/06/2022 02:44 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Triển khai từ năm 2008, qua hơn 14 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện từng bước khẳng định là chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người lao động tự do, giúp họ được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Tại tỉnh Phú Yên, chính sách này dần thấm sâu với đời sống của người dân với mơ ước về một cuộc sống tuổi già an nhàn, hạnh phúc.
Giữa cái nắng gay gắt đầu hè ở xứ sở này, bà Huỳnh Thị Nảng ở thôn Xóm Cát, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An đang loay hoay xếp lại từng bó củi khô đợi thương lái thu gom. Thấy khách ghé thăm, bà Nảng vội ngưng việc mời khách vào nhà trò chuyện. Tiếp chuyện chúng tôi là một bà mẹ đơn thân tuổi ngoài 50 đã có hơn nửa đời người vất vả mưu sinh lo cho con cái và hiện giờ đã có thâm niên gần 2 năm tham gia BHXH tự nguyện với niềm tin tuổi già có lương hưu để trang trải lo cho cuộc sống. “Mình khổ cả đời rồi. Giờ còn làm ra được chút ít, vài ba chục mỗi ngày nhưng nếu biết tích góp đến tháng cũng đủ đóng BHXH tự nguyện để lo cho tuổi già mai sau và không là gánh nặng cho con cháu”-bà thổ lộ. Dù kinh tế còn khó khăn nhưng phải lo cho chính mình ngày sau, mỗi ngày bà kiên trì tích góp để có tiền tham gia BHXH tự nguyện.
Bà Huỳnh Thị Nảng đang xếp lại những bó củi để bán lấy tiền tham gia BHXH tự nguyện
Còn đối với anh Võ Thanh Phương, Trưởng thôn Phước Đồng, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An thì việc vội vàng rút BHXH một lần trước đây là một điều hết sức đáng tiếc. Anh Phương chia sẻ, trước đây tôi có tham gia BHXH tự nguyện được 4 năm nhưng vào năm 2020 do chưa hiểu rõ về ý nghĩa mà chính sách BHXH mang lại nên bản thân đã quyết định rút BHXH một lần. Số tiền nhận một lần ấy không nhiều nên cũng chóng vánh mất đi. Đến năm 2021, sau khi nghe nhiều thông tin tuyên truyền cũng như tìm hiểu sâu thêm về chính sách BHXH tự nguyện nên anh đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện trở lại và còn vận động thêm người thân, hàng xóm cùng tham gia. Đến nay, anh đã vận động được mới gần 10 người tham gia BHXH tự nguyện. “Tham gia BHXH tự nguyện mình không nên nghĩ chuyện lời, lãi mà cái chính là tham gia để phòng ngừa và ổn định cuộc sống cho mai sau lúc về già”- anh tự tin chia sẻ.
Còn với trường hợp ông Lương Ngọc Ẩn, trú tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, người đã thu được “trái ngọt” từ quyết định đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ số năm quy định và giờ đây đã có lương hưu, cuộc sống trở nên an nhàn, thảnh thơi bên con cháu. Chia sẻ về quyết định đóng tiếp BHXH tự nguyện của mình sau thời gian công tác và đóng BHXH bắt buộc, ông Ẩn chia sẻ: “Trước đây tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, xuất ngũ tôi trở về quê hương và được bố trí làm ở Hội Cựu Chiến binh xã được hơn 16 năm và có đóng BHXH bắt buộc. Sau này khi nghỉ công tác, tôi chưa đủ số năm đóng BHXH để được nhận chế độ hưu trí (thiếu 3,5 năm để đủ 20 năm đóng BHXH). Sau nhiều lần tìm hiểu, tôi biết được chính sách BHXH tự nguyện có quy định cho phép những người đã đủ tuổi đời nghỉ hưu được đóng một lần cho những năm còn thiếu (tối đa không quá 10 năm) để về hưu ngay sau đó”. Ông Ẩn cho biết thêm: “Tôi nhiều lần liên hệ cơ quan BHXH huyện Tuy An để được tư vấn và sau nhiều đêm suy nghĩ, bàn với vợ, tôi quyết định làm liều lấy tiền tích góp của hai vợ chồng đóng luôn hết thảy số năm BHXH còn thiếu và kể từ đó hưởng lương hưu đến giờ, khỏe thật”. bà Đoàn Thị Nguyệt, vợ ông hào hứng chia sẻ: “Ổng giờ sướng rồi, tháng nào cũng có tiền rai rai, còn “bao’ được mấy ông bạn chí cốt”.
Vợ chồng ông Ẩn, bà Nguyệt an hưởng tuổi già nhờ thu nhập từ tiệm tạp hóa nhỏ và khoản lương hưu hàng tháng của ông
Nhìn thấy chồng có lương hưu, cuộc sống dần thảnh thơi, bà Nguyệt dự tính sắp tới gom thêm ít tiền rồi sang mấy cô Đại lý thu nhờ tư vấn cho gói BHXH tự nguyện với mức lương hưu tạm ổn để đóng luôn một lần 5 năm cho mau có lương hưu.
Quan niệm xưa có câu “Trẻ trông cha, già cậy con” như nhắc nhở chúng ta về một quy luật cuộc sống rằng người già phần nhiều phải trông cậy vào con cháu. Tuy nhiên, trong xã hội hiện tại, khi mà cơm, áo, gạo, tiền, những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống dần trở nên đầy áp lực, mỗi người phải tất bật lo toan cho cuộc sống của mình thì việc lo trước cho bản thân mình lúc về già là vô cùng cấp thiết, để tự trang trải cuộc sống, không phụ thuộc vào con cháu. Việc tích lũy khi trẻ để tham gia BHXH tự nguyện và có lương hưu lúc tuổi già thể hiện một quy luật cuộc sống hướng tới văn minh, an toàn, thụ hưởng cho mỗi người.
Tạm gác lại câu chuyện của bà con nơi đây, đâu đó trong chúng tôi sáng lên một niềm tin và sự ấm áp. Cái ấm áp ấy đến từ sự đồng cảm với sự chịu thương, chịu khó, biết tích lũy, dành dụm để chăm lo cho cuộc sống mai sau của những người dân nghèo nơi Miền Trung nắng gió. Niềm tin là đây, trên mảnh đất này.
Trần Đoàn
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...