Trân trọng món quà từ cuộc sống
12/04/2022 09:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thầy thuốc thì chăm lo sức khỏe người dân, còn những người BHXH thì chăm lo chất lượng cuộc sống người dân thông qua chính sách BHXH, BHYT. Tuy mỗi bên mỗi kiểu lo, nhưng đều dành cả tâm ý, tấm lòng, nên khi bất lực nhìn người bệnh ra đi hay bất lực nhìn NLĐ rời lưới an sinh, tất thảy đều nặng trĩu tâm tư.
Từ ánh mắt trong veo...
Cách đây vài năm, hiện tượng tự tử trong giới trẻ bằng thuốc diệt cỏ Paraquat gia tăng một cách đau lòng. Có em buồn nhiều chuyện trong cuộc sống nên chọn cách uống Paraquat để giã từ cuộc sống. Song, cũng có em mâu thuẫn gì đó với gia đình nên chỉ uống Paraquat để dọa tự tử mà thôi, nhưng kết quả lại mất mạng thật.
BS.Thắng (giữa) cùng đồng nghiệp dốc sức cứu một bệnh nhân ngộ độc Paraquat
Để cảnh báo đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về Paraquat, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng TS-BS.Vũ Đình Thắng- Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (BV Nhân Dân 115). Vào thời điểm đó, BV 115 tiếp nhận từ 1 đến 2 ca ngộ độc Paraquat mỗi ngày, và BS.Thắng là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chống độc. Ông cùng các đồng sự đã nghiên cứu ứng dụng và triển khai kỹ thuật “Lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính” đối với bệnh nhân ngộ độc Paraquat, giúp hạ giảm tỷ lệ tử vong từ 85% xuống còn 54%.
Tâm sự với chúng tôi về một trong những động lực làm nên ứng dụng mới, BS.Thắng thuật lại câu chuyện “ánh mắt trong veo” đã ám ảnh ông nhiều ngày liền. Chuyện là, bệnh nhân T.A.T (15 tuổi, trú tỉnh Đồng Tháp) được chuyển đến BV 115 do ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Mỗi khi BS.Thắng thăm khám, cháu T. cứ nắm lấy vạt áo của ông mà lay nhẹ, ánh mắt trong veo: “Bác sĩ ơi, cứu con”. Bất chấp mọi nỗ lực từ phía bác sĩ, chất độc Paraquat cứ lần mòn đốt cháy mọi tế bào bên trong cơ thể cháu T. do cháu uống quá nhiều và phát hiện muộn.
Trong vòng 20 ngày, BS.Thắng luôn phải đối mặt với ánh mắt trong veo cùng lời khẩn cầu của cháu T, nhưng phải bất lực nhìn cháu ra đi. “Đắng lòng lắm! Độc chất Paraquat cứ hủy hoại dần bên trong cơ thể cho đến khi tử vong, trong suốt quá trình ấy bệnh nhân vẫn tỉnh táo và trò chuyện như bình thường”.
... đến nặng trĩu nỗi buồn
Trước một bệnh nhân nặng và hôn mê mà cứu không được, thầy thuốc đã nặng lòng. Trước một bệnh nhân trẻ, tỉnh táo nói chuyện, lại cầu xin mình cứu mạng, mà bất lực không cứu được thì người thầy thuốc càng tâm tình trĩu nặng. Loại tâm tình này, mấy ngày qua đang dâng đầy trong lòng những người làm công tác BHXH trước hiện tượng rút BHXH một lần của nhiều người lao động. Có câu nói "mọi so sánh đều khập khiễng". Biết là vậy, song chúng tôi thấy hành trình chăm lo đời sống người dân, NLĐ của đội ngũ CBVC ngành BHXH Việt Nam đều hướng đến phụng sự nền an sinh xã hội của nước nhà.
Một nữ công nhân dẫn theo con gái nhỏ đi làm thủ tục nhận BHXH một lần
Báo chí những ngày qua đã phản ánh rất nhiều về hiện tượng rút BHXH một lần gia tăng, đến độ có người phải đi từ sớm tinh sương để xếp hàng. Sau thời gian dài dịch bệnh hoành hành, nhiều người gặp cảnh khó là chuyện khó tránh. Vì vậy, chúng tôi xin không lạm bàn cách làm thế nào để vượt qua khó khăn trước mắt. Bản thân những người BHXH cũng vậy, rút BHXH một lần là câu chuyện luật hiện hành cho phép thực hiện, nên khi NLĐ đã quyết rút thì họ phải chu toàn bổn phận của người phục vụ.
Có điều, cuốn sổ BHXH như "ánh sáng cuối đường hầm tuổi tác" với những NLĐ. Đáng nói, khi hết tuổi lao động, không thể làm lụng mưu sinh, cuốn sổ BHXH sẽ giúp họ có khoản thu nhập- đó là lương hưu- dù có ít cũng dễ thở hơn so với việc tuổi già không có chút tiền gì để nương tựa.
“Cứ xong một hồ sơ rút BHXH một lần, nhìn một người lặng lẽ quay đi sau tiếng cảm ơn khẽ, lòng tụi em lại thêm trĩu nặng. Thương bà con quá mà chẳng còn cách chi để giúp anh ạ. Bà con mình cũng biết rút BHXH một lần là đang tự đóng "cánh cửa" tiền hưu tuổi già, nên nhiều người buồn ánh lên cả mắt. Biết là phải làm bổn phận của mình, phải giải quyết hồ sơ hưởng BHXH một lần, nhưng nghĩ đến bà con sau này phải lặn lội mưu sinh ở tuổi xế chiều, em thấy đắng lòng quá...”- một nữ Giám đốc BHXH quận ở TP.HCM trải lòng với chúng tôi.
Sức rướn- món quà của thượng đế
Đời người sinh ra, lớn lên, già yếu và chết đi. Song, ai cũng mong muốn có cuộc sống ổn định, để lo cho con cái nên người. Kể từ khi thành gia lập thất, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực trong hầu hết mỗi người, đặc biệt là giới công nhân lao động... Ở đời, ai cũng có lúc vì mưu sinh nhọc nhằn quá mà đuối sức, nhưng vì chồng, vì vợ, vì con, nên họ ráng vượt qua. Cái đó gọi là sức rướn của tuổi lao động, là một món quà thượng đế ban tặng để con người có thể chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm chồng, làm cha.
Còn tuổi lao động, càng cần tham gia BHXH để lo chu toàn cho gia đình
Tình yêu thương dành cho gia đình là động lực, cùng với sức rướn là món quà của thượng đế, mà hết thế hệ này đến thế hệ khác, trong độ tuổi lao động của mình, đã kiến lập thành công từng tế bào của xã hội. Chỉ là, món quà ấy của thượng đế, sức rướn chỉ hiện diện trong độ tuổi lao động mà thôi. Còn khi quá tuổi lao động thì món quà ấy cũng biến mất.
Phải thừa nhận có người ngay sinh ra đã không phải lo cơm áo gạo tiền, nhưng đại đa số người dân, đặc biệt là công nhân lao động, thì nỗi lo ấy bám theo từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Bởi vậy, việc tự thân tích cóp để lo tuổi già- khi sức rướn đã không còn, hầu như bất khả thi. Thế nên, nhà nước nào cũng phải tạo lưới an sinh với BHXH bắt buộc cho công nhân lao động, BHXH tự nguyện cho những người buôn bán nhỏ, nông dân, lao động tự do...
Mục tiêu của việc này là giúp người trong độ tuổi lao động dành hết tâm ý, sức lực mà lo cho gia đình. Khi đến tuổi xế chiều, sức lao động đã không còn, thì họ được chiếc lưới an sinh nâng đỡ với khoản tiền hưu trí. Ít nhiều gì thì khoản tiền ấy cũng giúp được người quá tuổi lao động, mà không sợ phải phiền lụy con cái.
Ai cũng khó, ai cũng khổ, đặc biệt sau đợt dịch Covid-19 hoành hành thời gian qua. Song, trong lúc còn sức rướn, thì bà con hãy ráng tận dụng món quà của thượng đế ban tặng để vượt qua. Có người nói "biết sống tới bao nhiêu tuổi mà chờ" nên quyết định rút BHXH một lần. Rõ là, không ai biết mình có thể sống tới bao lâu, nên có người sẽ nhìn lui. Nhưng nếu nhìn tới 70, 80, 90 và hơn thế mà không có lương hưu làm điểm tựa, thì khi ấy biết phải làm sao?
Theo http://ansinhxahoionline.tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...