“Hộ chiếu tuổi già”

10/02/2022 03:28 PM


Niềm vui chào đón năm mới càng rộn rã hơn, khi nhiều người dân đã được cầm trong tay cuốn “hộ chiếu tuổi già”- sổ BHXH.

Năm nay, niềm vui đón Tết của gia đình anh Quách Công Đức (xã Mường Chiềng, Đà Bắc, Hoà Bình) như được nhân lên, bởi anh vừa cầm trong tay cuốn sổ BHXH. Như nhiều gia đình khác ở vùng cao này còn đối mặt nhiều khó khăn, gia đình anh Đức cũng không ngoại lệ. Sinh năm 1976, anh Đức thoát ly gia đình đi làm công nhân, nhưng không may dịch COVID-19 ập đến khiến anh bị mất việc làm. Trở về địa phương với số tiền tiết kiệm cộng thêm hơn 10 năm tham gia BHXH bắt buộc, anh Đức dự kiến rút BHXH một lần để tính kế sinh nhai.

Người dân Lâm Thao (Phú Thọ) đăng ký tham gia BHXH tự nguyện

Cầm sổ BHXH đến bộ phận “Một cửa” của BHXH huyện Đà Bắc mà anh cứ lấn cấn mãi. Cũng vì cứ lưỡng lự như vậy, nên hơn một năm qua, anh Đức vẫn chưa làm thủ tục nhận BHXH một lần. “Cũng may tôi được cán bộ BHXH tư vấn, động viên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy, thời gian đóng BHXH bắt buộc trước kia của tôi vẫn tính để về già hưởng lương hưu”- anh Đức nói.

Theo anh Đức, trải qua dịch bệnh mới thấy công việc và thu nhập của NLĐ tự do rất bấp bênh: “Càng lúc khó khăn, chúng tôi lại càng cần “giá đỡ an sinh” giúp đảm bảo cuộc sống khi về già”. Có lẽ vì điều này, nên khi được cán bộ BHXH tư vấn, anh Đức quyết định rút khoản tiền tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng gần 500.000 đồng/tháng và tham gia cho 5 năm liên tục. “Năm nay tôi có thêm niềm vui an sinh là “để dành” khi trẻ, yên tâm khi về già”- anh Đức phấn khởi chia sẻ thêm.

Khác với anh Đức, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đà Bắc, anh Lường Văn Kếnh (xã Tân Pheo) là “nông dân chính hiệu”. Hồ hởi chia sẻ với chúng tôi khi vừa bán được cả tạ khoai sọ những ngày giáp Tết, anh Kếnh cười nói: “Thế là gia đình chúng tôi có thêm một khoản tiền sắm Tết, chuẩn bị đón năm mới thật chu đáo và còn có tiền để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện”.

Thời gian qua, anh Kếnh được nhiều người giới thiệu về các loại hình bảo hiểm, nhưng anh chưa tham gia do chưa có niềm tin. Chỉ đến khi được cán bộ BHXH đến tận nhà tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện, anh mới biết đây là hình thức an sinh của Đảng và Nhà nước dành cho những NLĐ tự do như mình. “Tôi đã đồng ý tham gia với mức đóng gần 500.000 đồng/tháng và đóng liền 5 năm. Từ khi cầm cuốn sổ BHXH trong tay, tôi rất yên tâm. Nông dân như tôi vẫn sẽ được nghỉ hưu và lĩnh lương giống như cán bộ nhà nước”- anh Kếnh cười nói.

Còn anh Nguyễn Thiện Dương (xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) trước đây đã từng nghe nói “có chính sách hay lắm, không cần làm cơ quan nhà nước cũng có thể tham gia, về già nhận lương hưu”. Tuy nhiên, do tâm lý ngại tìm hiểu, nên chỉ sau khi được cán bộ BHXH đến tận nhà tư vấn, anh Dương mới quyết định tham gia BHXH tự nguyện và đóng luôn cho 5 năm liên tục. “Năm nay kinh tế khó khăn, nhưng nghĩ đến tương lai, tôi vẫn quyết tâm tham gia đầy đủ BHXH tự nguyện”- anh Dương cho biết.

Cũng giống như anh Dương, chị Nguyễn Thị Huệ (xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng cho 5 năm liên tục. Chị Huệ cho biết, không riêng chị, mà giờ đây nhiều người làm nông rồi buôn bán, kinh doanh tại xã đều đã tham gia BHXH tự nguyện. “Mấy năm gần đây kinh tế phát triển, nên nhiều người đã bắt đầu lo xa cho mình. Nhất là khi cán bộ BHXH huyện đến tận từng khu phố tổ chức hội nghị, tư vấn tận tình cho người dân, thì nhiều người tham gia hơn. Giờ những NLĐ tự do như chúng tôi cũng háo hức đợi đến khi về già có lương hưu, được phát thẻ BHYT để đi KCB”- chị Huệ vui vẻ nói.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Xuân Hạnh- Phó Giám đốc BHXH huyện Đà Bắc (Hoà Bình) cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn nên việc khai thác, phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Đà Bắc gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. “Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đà Bắc đã xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt như tổ chức các hội nghị tuyên truyền nhóm nhỏ, đi từng ngõ, gõ từng nhà; khi dịch bùng phát thì tổ chức tuyên truyền qua livetream, Zalo,...”- ông Hạnh thông tin. Đặc biệt, các trưởng thôn, trưởng bản đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. “Là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, nên vai trò và tiếng nói của các trưởng bản rất quan trọng. Để đưa chính sách BHXH, BHYT đến từng người dân, BHXH huyện chú trọng tuyên truyền cho các trưởng bản hiểu rõ về chính sách. Khi các trưởng bản hiểu và ủng hộ thì việc tuyên truyền, vận động rất thuận lợi và hiệu quả”- ông Hạnh nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, với nhiều cách làm linh hoạt, tính đến hết tháng 12, toàn huyện đã có 1.240 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 417 người so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo ông Hoàng Văn Cao- Phó Giám đốc BHXH huyện Lâm Thao (Phú Thọ), trong những năm qua, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn huyện đã nhận được sự ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, xóm và sự đồng thuận của nhân dân. Vì vậy, công tác phát triển người tham gia năm sau luôn tăng hơn năm trước. Cùng với đó, BHXH huyện đã linh hoạt nhiều giải pháp trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. “Hết tháng 12/2021, toàn huyện có 3.536 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 1.281 người so với cùng kỳ năm 2020”- ông Cao cho biết.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/