Cần sớm có giải pháp hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

20/12/2021 09:12 AM


Trong hơn 5 năm từ thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực (1/1/2016), hơn 3,7 triệu người chọn rút bảo hiểm xã hội một lần, thay vì đóng tiếp và hưởng lương hưu. Đây là tình trạng đáng lo ngại cho công tác bảo đảm an sinh xã hội lâu dài với lực lượng lớn người lao động.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm (Hà Nội) làm thủ tục nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội thất nghiệp. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019, toàn ngành đã giải quyết cho gần 3,7 triệu người nhận bảo hiểm xã hội một lần, với bình quân mỗi năm có hơn 600 nghìn người nhận, tương đương với số người tham gia mới bảo hiểm xã hội trong năm. Theo tính toán, cứ hai người mới tham gia vào bảo hiểm xã hội, thì có một người rời khỏi hệ thống.

Nâng điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần  

Năm 2006, có khoảng 240 nghìn người rút bảo hiểm xã hội một lần thì tới năm 2020, con số này đã tăng lên gần 860.700, chiếm hơn 5% số người tham gia bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rút một lần tăng gần 51% so với năm trước đó. Thống kê cho thấy, có khoảng 97% số người rút bảo hiểm xã hội một lần sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội là lao động phổ thông. Khi đã nhận một lần, nếu sau này tham gia tiếp thì người lao động không được cộng nối thời gian đã đóng trước đó, dẫn đến không đủ thời gian đóng khi đã đủ tuổi nhận lương hưu hoặc mức nhận không cao. Thân nhân của họ cũng không được hưởng chế độ tử tuất nếu người lao động qua đời.

“Rút một cục” giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng dẫn đến tình trạng nếu tham gia tiếp thì người lao động không được cộng nối thời gian đã đóng trước đó, không đủ thời gian đóng khi đã đủ tuổi nhận lương hưu hoặc mức nhận lương hưu không cao. Điều này gây áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo đảm tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai. Mục tiêu 60% số lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trở thành thách thức lớn, nếu không có thay đổi căn bản về chính sách lẫn việc tổ chức thực hiện.

Để hạn chế tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn, ngày 9/12 vừa qua, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã có kiến nghị và đề xuất được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khi đơn vị góp ý điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết 93/2015/QH13 về chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Giám đốc Phan Văn Mến cho biết, các giải pháp mà cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhằm mục tiêu bảo đảm người lao động có lương hưu, giảm bớt khó khăn khi không còn sức khỏe làm việc. Theo đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Nhà nước kéo dài thời gian quy định để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Để rút được bảo hiểm xã hội một lần, người lao động phải có thời gian nghỉ việc, không tham gia bảo hiểm xã hội từ hai đến ba năm (tùy trường hợp), so với quy định như hiện tại chỉ cần một năm. Việc tăng thời gian lên từ hai đến ba năm, để người lao động có khoảng thời gian đủ dài để tìm việc làm mới hoặc có phương án tài chính thay thế, không trông chờ vào tiền bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh, xu hướng nhận bảo hiểm xã hội một lần ở thành phố tăng nhanh. Cụ thể, năm 2015, gần 75 nghìn người nhận; năm 2018 có hơn 96.600 trường hợp; năm 2020 hơn 111.700 người và chỉ trong 11 tháng năm 2021, đã có hơn 95 nghìn người nhận trợ cấp một lần với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng. Độ tuổi rời “lưới” an sinh ở thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trẻ, khi năm 2015 với tuổi đời trung bình là 39,9, năm 2018 còn 38, năm 2019 còn 36,8 và đến năm 2020 đã xuống 35,4. Bên cạnh việc kịp thời hỗ trợ, nhanh chóng giải quyết các chế độ cho người lao động hưởng quyền lợi theo luật định, thì nhiều giải pháp khác cũng được Bảo hiểm xã hội thành phố kiến nghị đến ngành chức năng trong những năm qua nhằm hạn chế tình trạng này. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông đến người lao động cả trực tiếp và gián tiếp, qua đó, nhiều người lao động cũng đã thay đổi ý định rút một lần, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc tìm kiếm công việc mới…

Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần
 
Tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 10/2021, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận, xem xét việc sửa đổi một cách căn cơ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm nhằm thể chế hóa Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời, để giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay, sẽ tập trung một số giải pháp cụ thể, như: Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng;  sửa đổi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu từ 20 năm xuống 10 năm và tiến tới có thể là 10 năm, đồng thời phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng công bằng, bình đẳng;  tiến tới phát triển bền vững; điều chỉnh hưởng chính sách một lần; phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức đa dạng hóa danh mục cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả…

Trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 vừa qua, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng kết Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần, để  khắc phục hạn chế do quy định hiện hành, tháo gỡ những khó khăn chưa phù hợp thực tiễn, đề xuất giải pháp chính sách linh hoạt, phù hợp điều kiện của Việt Nam trên cơ sở vừa đáp ứng yêu cầu của người lao động khi gặp khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa bảo đảm an sinh xã hội bền vững khi người lao động đến tuổi về hưu.  Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật này vào chương trình năm 2023.

 
 

 

 

Theo https://nhandan.vn/