Phát triển BHXH tự nguyện và hạn chế BHXH một lần
10/11/2021 10:59 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thảo luận về lĩnh vực kinh tế- xã hội, NSNN và công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 9/11 ĐBQH cho rằng, công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, tỷ lệ bao phủ BHXH chưa cao trong lực lượng lao động; tình trạng chậm đóng BHXH và hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng…
Có chính sách giữ nguồn lao động chất lượng cao
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, điều quan trọng nhất lúc này là cần phải nỗ lực thích ứng với dịch bệnh để phát triển kinh tế- xã hội và một trong những giải pháp để chủ động ứng phó với dịch bệnh là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát khiến nguồn nhân lực vốn yếu về chất lượng, lại đối diện thêm với thách thức thiếu về số lượng do lực lượng lao động dịch chuyển về nông thôn, rời bỏ các khu công nghiệp, khu đô thị lớn. Vì vậy, để khôi phục kinh tế- xã hội sau đại dịch nhằm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đầu tư cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng; cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nguồn nhân lực theo hai nhánh, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cả lao động trong nước và lao động xuất khẩu ra nước ngoài.
Cùng với đó, chú trọng giai đoạn đào tạo tiền lao động, chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận từ xa, trong đó triển khai hiệu quả công tác phân luồng các nhóm học sinh tham gia đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nghiên cứu đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai để lựa chọn đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp có tính đón đầu xu hướng. Một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khối nhà nước, theo đại biểu là các chính sách cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc cải cách tiền lương trong những năm qua vẫn tương đối rụt rè. “Tôi cho rằng cải cách tiền lương không phải là việc chúng ta chi thêm từ nguồn ngân sách ít ỏi ra để tăng thêm lương cho người lao động mà phải coi đó là sự đầu tư quan trọng vào nhân tố quan trọng nhất, đảm bảo cho một nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững, là nhân tố con người”- ĐB Nga nhấn mạnh.
Còn ĐB Lý Thị Lan (Hà Giang) đề nghị Chính phủ, ngành chức năng và các địa phương cần tính đến giải pháp giãn cách các khu công nghiệp, nhà máy gia công, lắp ráp, SDLĐ thủ công về các tỉnh vệ tinh lân cận để tận dụng lao động địa phương, giảm áp lực cho các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các khu công nghiệp lớn. Bên cạnh đó, các thành phố đô thị có lợi thế đặc biệt nên chuyển hướng quy hoạch xây dựng trung tâm kinh tế tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá và có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, sử dụng lao động tay nghề cao, chất lượng cao, thực hiện đô thị hóa theo như mô hình trung tâm đô thị tài chính công nghệ cao của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, ĐB Lý Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ tập trung và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng mục tiêu, hiệu quả và tính cấp bách của Chương trình để người dân và đồng bào dân tộc thiểu số đào tạo sinh kế có việc làm ổn định, yên tâm sinh sống và sản xuất tại quê hương mình, nhất là đối với những lao động di chuyển từ các khu công nghiệp trở về quê hương do dịch bệnh.
Cần giải pháp hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần
Để tiếp tục phát huy tốt mối tương tác trong phát triển kinh tế xã hội năm 2022, ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) nhận định, BHXH, BHYT là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực đối với sự phát triển đất nước. Quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cùng với việc thanh toán, hỗ trợ các hạng mục chính sách tương ứng còn được tích để đầu tư. Do vậy, hoạt động đầu tư từ các quỹ đó cần được ban hành cơ chế tài chính và chi phí quản lý nhằm nâng cao hiệu quả bảo toàn, phát triển và tính minh bạch.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh dự Phiên thảo luận với tư cách là đại biểu khách mời
Trước khi dịch xảy ra, tình trạng vượt tổng mức thanh toán KCB BHYT so với Chính phủ giao ở một số địa phương, nhất là các địa phương tập trung các cơ sở KCB lớn của trung ương. Do vậy, Chính phủ nghiên cứu nâng mức đóng BHYT vì mức đóng BHYT đang áp dụng là 4,5%. Bên cạnh đó, ĐB cũng cho rằng, chúng ta đang thích ứng với bình thường mới, dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ hoạch định lại hệ thống chăm sóc sức khỏe theo hướng chú trọng hơn vào chăm sóc ban đầu và giảm phụ thuộc vào chăm sóc tại bệnh viện, kết hợp chặt chẽ giữa các mạng lưới y tế, đáp ứng tầng tuyến khám chữa bệnh, nghiên cứu, xây dựng chương trình, đề án, chiến lược y tế thích ứng và ổn định phát triển đất nước.
Đồng tình báo cáo Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, với sự phát triển toàn diện của đất nước, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội. Điều này càng thể hiện rõ trong đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đó là tỷ lệ bao phủ BHXH mới đạt khoảng 35- 36% lực lượng lao động trong độ tuổi; BH thất nghiệp đạt khoảng 28- 29%, còn thấp, số nợ, chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, đối tượng hưởng chế độ BHXH một lần năm 2020 tăng 6,65% so với năm 2019. “Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Mặt khác, hiện nay còn khoảng 9% dân số chưa tham gia BHYT là một khoảng trống trong công tác chăm sóc sức khỏe đối với người dân hiện nay”- ĐB Mai khẳng định.
Chính vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp toàn diện, nâng cao năng lực quốc gia về ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, nhất là đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực ứng phó cho cơ sở và từ cơ sở một cách kịp thời để nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, bất cập để tạo hành lang pháp lý đầy đủ nhất có thể cho lĩnh vực an sinh xã hội. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, công tác kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ việc thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực an sinh xã hội và để đảm bảo rằng các nguồn lực cho lĩnh vực này được sử dụng đúng mục đích, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. “Phát triển hệ thống đảm bảo đồng bộ, BHXH tiến bộ, đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện và có giải pháp căn cơ để hạn chế mức thấp nhất đối tượng BHXH một lần. Xử lý mạnh để hạn chế tối đa nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài. Thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội”- ĐB Mai đề nghị.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...