Một học sinh được quỹ BHYT chi trả gần 750 triệu đồng tiền viện phí
23/09/2021 10:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết những năm gần đây tỉ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng dần. Nếu như năm học 2018-2019, cả nước có khoảng hơn 17,4 triệu HSSV tham gia BHYT (đạt tỉ lệ bao phủ khoảng 94,2%) thì đến năm học 2019-2020 có hơn 17,7 triệu HSSV tham gia (đạt tỷ lệ bao phủ 95,2%).
Năm học 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song số HSSV tham gia BHYT là hơn 18 triệu người, tăng 1,6% so với năm học 2019-2020. Trong đó, hơn 14,5 triệu tham gia theo nhóm HSSV và 3,5 triệu HSSV tham gia theo nhóm khác như hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang...
Quỹ BHYT chi trả gần 2.300 tỉ đồng chi phí KCB cho HSSV
Theo BHXH Việt Nam, số HSSV tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm cho thấy nhận thức của các phụ huynh và HSSV về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã được nâng cao.
Đơn cử, nếu như trước đây một số phụ huynh có quan niệm chỉ khi con mắc bệnh nan y, mãn tính, cần điều trị với chi phí khám chữa bệnh lớn mới tham gia BHYT thì hiện nay, phần lớn phụ huynh đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi các con đang khỏe mạnh.
Cô giáo hướng dẫn học sinh tìm hiểu về lợi ích của BHYT trong năm học 2020-2021. Ảnh: T.THƯ
Cạnh đó, nhìn vào kết quả thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT cho HSSV thời gian qua cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như: suy thận, ung thư, tim mạch… với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2020 quỹ BHYT đã chi trả kịp thời chi phí khám chữa bệnh BHYT cho nhóm HSSV trên 2.296 tỉ đồng. Trong đó, 193 bệnh nhân được quỹ chi trả với số tiền 26,25 tỉ đồng, 56 bệnh nhân được chi trả 16,47 tỉ đồng…
Điển hình bệnh nhân có mã thẻ HS4747423096XXX, điều trị nội trú một lượt tại Bệnh viện Nhi đồng II (TP.HCM) với chẩn đoán “Viêm cơ, không phân loại nơi khác”, với chi phí khám chữa bệnh BHYT là 742 triệu đồng. Trong đó, tiền thuốc là 389 triệu đồng, xét nghiệm là 102,65 triệu đồng…
Tương tự, bệnh nhân có mã thẻ HS4494920193XXX, điều trị nội trú hai lượt tại Bệnh viện Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) với chẩn đoán “Bệnh phổi tác nhân không đặc hiệu; Suy hô hấp không phân loại”, chi phí khám chữa bệnh BHYT là 728,36 triệu đồng. Trong đó, tiền thuốc là 364,39 triệu đồng, vật tư y tế trên 138 triệu đồng, tiền phẫu thuật 64,30 triệu đồng…
Trong năm 2021, quỹ BHYT đã ghi nhận một bệnh nhân có mã thẻ HS4797935403XXX, điều trị nội trú một lượt tại Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) với chẩn đoán bỏng, số tiền là 523 triệu đồng.
Theo BHXH Việt Nam, từ thực tiễn công tác đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho HSSV, có thể thấy, thẻ BHYT đã ngày một minh chứng rõ nét về vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi khám chữa bệnh chính đáng của HSSV. Đây là chính sách tiếp thêm niềm tin, sự an tâm để các gia đình yên tâm điều trị cho con em mình, giúp HSSV không may ốm đau, bệnh tật có cơ hội được khám chữa bệnh, được khỏe mạnh và sớm quay trở lại trường học.
Không có thẻ BHYT sẽ đối mặt với nhiều rủi ro
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho biết hiện vẫn còn một bộ phận nhỏ HSSV chưa nhận thức được đầy đủ về quyền lợi, tính nhân văn của chính sách BHYT HSSV nên chưa tham gia BHYT. Điển hình là nhóm HSSV từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề.
“Điều này khiến các em bị thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT. Nếu không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao, không có thẻ BHYT, gia đình của các em sẽ đối mặt với những khoản chi phí khám chữa bệnh lớn, ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình cũng như quá trình khám chữa bêhj của các em…”- BHXH Việt Nam cho hay.
Ngành BHXH cũng khẳng định thời gian qua đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho HSSV; tăng cường cải cách thủ tục tham gia BHYT, sử dụng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV.
Đáng chú ý từ đầu năm 2021 đến nay, người tham gia BHYT trong đó có hơn 18 triệu HSSV được thụ hưởng nhiều chính sách mới, theo đó quyền lợi khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Nổi bật là chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh BHYT được triển khai trên quy mô toàn quốc từ ngày 1-1-2021, giúp một số trường hợp tham gia BHYT điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.
“Cùng với quyền lợi BHYT được mở rộng, từ tháng 6-2021, thủ tục khám chữa bệnh BHYT cũng đã có sự cải tiến, mang lại lợi ích cho người tham gia BHYT nói chung, HSSV nói riêng khi có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, thay cho thẻ BHYT bằng giấy khi đi thủ tục khám chữa bệnh. Điều này giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian khi đi khám chữa bệnh, đặc biệt không lo mất, hay hỏng thẻ BHYT giấy…”- BHXH Việt Nam cho hay.
Theo https://baomoi.com
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...