Bộ Tư pháp đánh giá về sửa điều kiện hưởng BHXH một lần
21/09/2021 10:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách của việc sửa điều kiện hưởng BHXH một lần, đặc biệt về lộ trình áp dụng, từ đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý.
Luật BHXH 2014 đang được Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu sửa đổi, trong đó có một số đề xuất có tác động lớn lên thị trường lao động và các chế độ an sinh xã hội. Ảnh minh họa: PHẠM THANH.
Luật hiện hành đã có
Bộ Tư pháp vừa có báo cáo thẩm định hồ sơ xây dựng Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHXH 2014 do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng. Trong đó, Bộ Tư pháp đặc biệt lưu ý tới các đề xuất sửa đổi chính sách, do luật này có mức độ tác động lớn.
Với chính sách hưởng BHXH một lần, theo Dự thảo luật sẽ điều chỉnh về điều kiện hưởng, do tỷ lệ hưởng BHXH một lần tăng nhanh hơn tỷ lệ tham gia mới. Do đó, Dự luật đưa ra một số đề xuất như: Người lao động (NLĐ) chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm không tham gia BHXH đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bằng 1 tháng lương bình quân tham gia BHXH; nếu tới tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, người mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư hợp pháp được hưởng BHXH một lần bằng 2 tháng lương bình quân đóng BHXH...
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, Luật BHXH 2014 đã quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp NLĐ được hưởng BHXH một lần (Điều 60, 77). Các điều này tạm thời chưa áp dụng, do xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của NLĐ. Do đó, cơ quan thẩm định đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách trên, đặc biệt về lộ trình áp dụng, từ đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý.
Về giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu, tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, Bộ Tư pháp đánh giá: Giải pháp này sẽ gia tăng người hưởng lương hưu, là chính sách lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ và khả năng cân đối Quỹ BHXH. Tuy nhiên, nếu đóng với thời gian ngắn, mức lương hưu sẽ thấp, có thể không đạt mức sống tối thiểu, khi đó có thể phải điều chỉnh với người nhận lương hưu thấp.
Dù vậy, dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách này còn chung chung, chưa đầy đủ về tác động; chưa làm rõ tỷ lệ lương hưu tương ứng như thế nào với thời gian đóng giảm dần, nên cần bổ sung đánh giá tác động của chính sách này.
Cơ quan soạn thảo đề xuất sửa cách tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu theo hướng mức lương người đó đóng và bình quân chung đóng BHXH của tất cả mọi người. Cách tính này, theo cơ quan thẩm định, có thể xung đột với nguyên tắc cơ bản của BHXH là “đóng - hưởng”. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ về kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, tại báo cáo đánh giá tác động, cơ quan chủ trì soạn chưa đề xuất được phương án cụ thể để sửa đổi căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ BHXH trong trường hợp không còn quy định mức lương cơ sở (hiện vẫn gắn với mức lương cơ sở). Đồng thời, báo cáo chưa làm rõ được nội dung, giải pháp cụ thể để hoàn thiện các quy định đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về BHXH với quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo khả thi, thống nhất, nên cần bổ sung.
Thêm chế độ với BHXH tự nguyện
Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện, với mức trợ cấp 2 triệu đồng với một con mới sinh, thí điểm chế độ trợ cấp trẻ em dưới 6 tuổi. Theo Bộ Tư pháp, đây là chính sách hoàn toàn mới so với luật hiện hành, mang tính trợ cấp, do ngân sách nhà nước đảm bảo. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ về mặt kinh tế, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự luật đề xuất sửa đổi mô hình, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan BHXH. Với cơ quan BHXH là tổ chức cung ứng dịch vụ công, hoạt động theo cơ chế “hội sở - chi nhánh - phòng giao dịch”. Sửa đổi theo hướng này sẽ làm thay đổi căn bản vị trí, cơ cấu tổ chức của cơ quan BHXH, và cần sửa đổi, bổ sung quy định tại các luật liên quan.
Cơ quan thẩm định nhận thấy, đề xuất trên chưa có sự nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tác động cụ thể để cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn làm cơ sở cho đề xuất trên. Báo cáo đánh giá tác động chính sách cũng chưa làm rõ được cơ chế quản lý mới cho mô hình mới của cơ quan BHXH; cơ quan BHXH có còn thuộc Chính phủ hay đặt dưới sự quản lý của cơ quan, bộ ngành nào? Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nếu bảo lưu đề xuất trên cần bổ sung nghiên cứu, giải trình để làm rõ vấn đề liên quan và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần bổ sung thêm chính sách, giải pháp với các vấn đề mới phát sinh, như ảnh hưởng của dịch COVID-19. Từ đó đề xuất các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các sự kiện bất ngờ tương tự trong tương lai.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết năm 2020, cả nước có trên15 triệu người tham gia BHXH (chiếm 31,1% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong năm 2020, cả nước đã có hơn86.900 người hưởng BHXH một lần (tăng hơn 8,7% so với năm trước đó). Trong 5 năm thực hiện Luật BHXH (giai đoạn 2015-2019), tổng số người hưởng BHXH một lần trên 3,7 triệu người (bình quân mỗi năm có gần 750.000 người thamgia BHXH rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia BHXH). Về cơ bản, số người hưởng BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước, tăng bình quân 6,5%/năm.
Theo https://baomoi.com/
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...