BH thất nghiệp: Điểm tựa của hàng triệu lao động bị mất việc làm
18/08/2021 01:33 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của DN và công ăn việc làm của NLĐ thì chính sách BH thất nghiệp càng phát huy được vai trò trong việc hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống. Không chỉ được trợ cấp về mặt kinh tế, NLĐ còn được học nghề và giới thiệu việc làm…
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), tại miền Bắc, khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang, buộc Bắc Giang phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp gồm 322 DN với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc. Bắc Ninh có 42.000/320.000 lao động phải ngừng việc. Đến nay, sau khi khống chế được dịch Covid-19, các doanh nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh trong khu vực bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh theo kế hoạch, tuy nhiên hiện tại trong toàn khu vực có khoảng 2,5% doanh nghiệp vẫn phải tạm dừng hoạt động, 5% lao động ngừng việc.
Theo BHXH Việt Nam, chỉ tính trong tháng 7/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết cho hơn 80.000 người hưởng BH thất nghiệp với số tiền hơn 1.484 tỷ đồng.
Trước những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thời gian qua, Bắc Ninh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ kịp thời NLĐ, trong đó tập trung vào giải quyết chính sách BH thất nghiệp, giúp người dân ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. Ông Đinh Văn Duyệt- Giám đốc Trung tâm DVVL Bắc Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có khoảng 5.758 người đăng ký làm thủ tục BH thất nghiệp, chủ yếu là NLĐ trong lĩnh vực điện, điện tử, chiếm hơn 50%. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người, Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Ninh đã triển khai linh hoạt trong giải quyết chính sách BH thất nghiệp nhằm giúp người dân hạn chế việc đi lại, rút gọn các thủ tục hành chính. “Chúng tôi cố gắng để làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ vừa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ không bị gián đoạn. Trong đó tập trung vào các giải pháp như thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh, zalo, facebook, điện thoại… Việc tiếp nhận hồ sơ cũng thực hiện qua hệ thống Bưu điện hoặc gửi hình ảnh qua Zalo là chủ yếu. Ngoài ra, Trung tâm cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ lao động tìm việc”- ông Duyệt cho hay.
Cũng theo ông Đinh Văn Duyệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, hàng triệu lao động bị mất việc, giãn việc, chính sách BH thất nghiệp đã thực sự trở thành “chỗ dựa” cho NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch. Ngoài ra, chính sách BH thất nghiệp cũng giúp NLĐ có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới chất lượng hơn cho bản thân. “BH thất nghiệp là chính sách an sinh xã hội nhằm giúp cho NLĐ có thu nhập tạm thời khi mất việc làm, chưa tìm được việc mới. Do đó, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ cần chủ động tìm việc làm phù hợp, tham gia các phiên giao dịch việc làm hoặc dựa trên những thông tin nhu cầu tuyển dụng để sớm trở lại thị trường lao động”- ông Duyệt khẳng định.
Đến làm thủ tục tại bộ phận "Một cửa" của Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1985 (thôn 11, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 5/2021, tôi phải nghỉ việc. Đến đây, tôi được hướng dẫn làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Nhân viên của Trung tâm tư vấn với thời gian tham gia BH thất nghiệp hơn 4 năm, tôi sẽ được hưởng 4 tháng trợ cấp BH thất nghiệp. Giai đoạn khó khăn này, tôi mới thấy hết ý nghĩa của BH thất nghiệp. Hy vọng dịp này dịch giảm, tôi sẽ tìm được việc làm phù hợp”.
Chia sẻ về công tác giải quyết thủ tục hưởng BH thất nghiệp, ông Nguyễn Văn Huyên- Trưởng phòng BH thất nghiệp (Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Giang) cho biết, dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Một số DN hoạt động cầm chừng do không xuất, nhập được hàng hóa đã bắt buộc phải cho NLĐ tạm nghỉ việc hoặc chấm dứt HĐLĐ. Trong giai đoạn khó khăn này, chính sách BH thất nghiệp đã góp phần giúp NLĐ ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 7.113 lao động đăng ký hưởng BH thất nghiệp với số tiền trên 90 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến nay, sau khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, số lao động đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL tỉnh rất đông…
Về chính sách BH thất nghiệp, ông Tạ Văn Thảo- Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội khẳng định, sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, chính sách BH thất nghiệp đã thực sự trở thành điểm tựa cho người thất nghiệp khi bị mất việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của DN và công ăn việc làm của NLĐ thì chính sách BH thất nghiệp càng phát huy được vai trò ASXH trong việc hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Không chỉ được trợ cấp về mặt kinh tế, NLĐ còn được học nghề và giới thiệu việc làm. Từ đó có cơ hội nâng cao tay nghề, thay đổi tìm kiếm ngành nghề phù hợp, tái hòa nhập thị trường lao động mới với cơ hội việc làm rộng mở hơn. Đặc biệt, việc giải quyết thủ tục BH thất nghiệp cũng được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho NLĐ sớm được hưởng trợ cấp thất nghiệp và các hỗ trợ khác như dạy nghề, giới thiệu việc làm. “Đến ngày 5/8/2021, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tiếp nhận 41.483 hồ sơ đăng ký hưởng BH thất nghiệp và đã có 42.980 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp”- ông Thảo nhấn mạnh.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...