“Đối thoại 2045” - Khát vọng và niềm tin về một Việt Nam hùng cường

08/03/2021 08:50 AM


Chiều 6/3, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc gặp mặt các doanh nhân và trí thức tiêu biểu, với chủ đề “Đối thoại 2045”. Tham dự “Đối thoại 2045” có đại diện 50 DN, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Đại hội XIII đã đặt ra các mục tiêu phát triển đến năm 2045. Để triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị “Đối thoại 2045”, nhằm biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và trí thức với các thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới và nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV; đồng thời tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Tại “Đối thoại 2045”, nhiều doanh nhân, trí thức đã có những đóng góp ý kiến thiết thực với người đứng đầu Chính phủ, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhằm thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế đất nước. Theo các doanh nhân, kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có tinh thần chiến đấu không lùi bước trước mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình. Đơn cử như VinFast của Tập đoàn VinGroup với mong muốn sẽ lan tỏa được tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” đến cho cộng đồng.

Chia sẻ tại “Đối thoại 2045”, bà Thái Hương- Chủ tịch TH True Milk cho rằng, việc tổ chức “Đối thoại 2045” là cơ hội cho các DN phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước”. Theo bà Thái Hương, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe; do đó phải có ngành nông nghiệp xanh- sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững.

Đáng chú ý, một số doanh nhân đã nhấn mạnh yêu cầu chú trọng đến các chỉ số hạnh phúc chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế. Bà Nguyễn Mai Thanh- Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ điện REE cho biết, người Đức luôn có những cố gắng để những chính sách khuyến khích các DN của mình làm tốt điều này. Chính vì vậy, những DN Việt cần tập trung vào yếu tốt phục vụ người tiêu dùng tốt bằng việc nâng chất lượng sản phẩm, nâng vị thế thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, Việt Nam nên đặt mục tiêu cao hơn và không nên bằng lòng với những gì mình đạt được. Đồng thời, khi xây dựng các chỉ số kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2045, cần xây dựng nhiều hơn các chỉ số có tính hạnh phúc, chứ không chỉ là những chỉ số về con số kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng cho biết, ở Việt Nam, HTX là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 HTX, 100 liên hiệp HTX và hơn 119.000 tổ hợp tác, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên. Để mô hình HTX phát triển phù hợp với nhu cầu hiện nay, lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế quản trị. Đồng thời, phải tổ chức sản xuất HTX với quy mô lớn nhằm tạo ra khả năng ứng dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong các HTX nên phát triển tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức chính trị-xã hội ở địa bàn dân cư, nhất là nông thôn để góp phần ổn định chính trị-xã hội.

Còn TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn- Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh bày tỏ tin tưởng, 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu “tầm nhìn” năm 2045. Theo TS.Tuấn, 25 năm trước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức cao khoảng 9,3%/năm. Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nên chúng ta tăng trưởng chậm lại. Những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh khoảng 7%/năm, thuộc top cao nhất thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá như ngôi sao đang lên. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới.

Cũng theo TS.Tuấn, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó DN Việt Nam mới là chủ đạo và DN nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. “Tôi đặt niềm tin Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều những doanh nhân công, những nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tinh thần trách nhiệm- danh dự- lương tâm”- TS.Tuấn nhấn mạnh.

Phát biểu tổng kết “Đối thoại 2045”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, qua phát biểu của các doanh nhân và trí thức cho thấy khát khao cháy bỏng của chúng ta về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. “Đến năm 2045, tức 25 năm nữa, một phần tư thế kỷ, thời gian đủ dài để xuất hiện những DN, tập đoàn khổng lồ của Việt Nam”- Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, con người và công nghệ cần phải được quan tâm trong thực hiện “tầm nhìn 2045”.

Do đó, theo Thủ tướng, chúng ta cần phải đổi mới thể chế, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình DN. Bên cạnh đó, cần kết nối, phát triển hạ tầng cho DN; chú trọng bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, phải bảo vệ văn hóa Việt Nam. “DN là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn”- Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng chỉ rõ, mục tiêu của DN không thể chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông, mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Bày tỏ ấn tượng với những slogan của DN, Thủ tướng tin rằng, cộng đồng DN lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững trong thời gian tới. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn “Đối thoại 2045” sẽ tạo tiền để để sau này trở thành một diễn đàn đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng DN và đội ngũ trí thức, nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán, để sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển DN theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, hỗ trợ cộng đồng DN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.

“Chúng ta hãy chung tay làm cho Việt Nam trở nên thành công hơn nữa, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến, phụng sự; có nhiều DN vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu. Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó. Đây là điều mà tất cả chúng ta cùng mong muốn”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/