Thị trường Nhân sự 2021: Cơ hội việc làm- Thách thức trong tuyển dụng lao động

24/02/2021 09:50 AM


Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam công bố báo cáo về “Thị trường Nhân sự 2021: Cơ hội việc làm- Thách thức trong tuyển dụng và Mức lương hiện hành của NLĐ”.

Qua khảo sát 35 ngành với gần 6.000 ứng viên của Navigos Group cho thấy, lương, thưởng và chế độ phúc lợi là yếu tố hàng đầu được NLĐ quan tâm khi chuyển việc. 74% ứng viên tham gia khảo sát cho biết, lương, thưởng và chế độ đãi ngộ là yếu tố quan trọng hàng đầu khi họ cân nhắc chuyển việc; cơ hội thăng tiến, cơ hội được đào tạo và phát triển (lần lượt chiếm 37%, 34%). 

Đặc biệt, tháng lương thứ 13 đang đứng đầu về các khoản thưởng hay phúc lợi mà NLĐ được hưởng với 82% ý kiến của ứng viên tham gia khảo sát; sau đó đến các phúc lợi về sức khỏe và y tế chiếm 51%; 31% ý kiến về phụ cấp đi lại, ăn uống, tiếp khách. “Kỳ vọng không ngừng về lương, thưởng, phúc lợi từ NLĐ là thách thức đối với DN trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Lương thưởng và phúc lợi là lý do thu hút NLĐ đồng thời lương, thưởng và phúc lợi tốt hơn cũng sẽ là lý do ra đi của họ. Theo đó yếu tố đứng đầu khiến họ hài lòng với công việc hiện tại là lương, thưởng và chế độ đãi ngộ chiếm 45% người tham gia khảo sát; sau đó là địa điểm làm việc và công việc ổn định đều chiếm 43%”- Báo cáo cho hay.

Khảo sát cũng cho thấy, 43% người tham gia chia sẻ họ chưa từng đề xuất tăng lương trong năm 2020; 42% vẫn được tăng lương trong năm nay với các mức tăng từ dưới 3% đến trên 20%. NLĐ thể hiện sự kỳ vọng lớn với việc tăng lương trong năm 2021. Về việc tăng/giảm lương tại DN, 10% người tham gia khảo sát cho biết mức lương của họ sẽ giảm từ dưới 3% đến hơn 20%; 18% cho rằng mức lương sẽ không thay đổi; 61% còn lại cho rằng mức lương của họ sẽ được điều chỉnh theo những tỷ lệ nhất định, từ 3% đến trên 20%. Đặc biệt, nhóm nhân viên cấp trung (Giám sát/Trưởng nhóm) thể hiện là nhóm đề xuất tăng lương nhiều nhất và có đến 65% từng đề xuất tăng lương với những tỷ lệ khác nhau. Gần 50% nhóm Phó Giám đốc/Giám đốc, Phó phòng/Trưởng phòng, Ban Điều hành C-level (cấp Phó Tổng Giám đốc/Tổng Giám đốc), tỷ lệ ứng viên đã từng đề xuất tăng lương. Riêng đối với nhóm ứng viên mới ra trường là nhóm có tỷ lệ ít đề xuất tăng lương nhất, chiếm vào khoảng 44% cho biết họ đã từng đề xuất tăng lương.

Có 26% NLĐ bị cắt giảm lương ở nhiều mức khác nhau, từ 10- 50% so với trước khi có dịch Covid-19; 74% ứng viên còn lại cho biết mức lương họ chia sẻ trong bảng khảo sát này không bị thay đổi. Đáng chú ý, nhóm ứng viên cấp cao (Ban điều hành, cấp Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc) là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19 với 40% cho biết mức lương của họ bị cắt giảm ở nhiều tỷ lệ khác nhau; nhóm Giám đốc/Phó Giám đốc là nhóm xếp thứ hai chịu ảnh hưởng khi có đến 32% bị cắt giảm lương.

Mặc dù được thực hiện trong thời kỳ Covid-19, có đến hơn 50% người tham gia khảo sát vẫn thể hiện sự lạc quan nhất định về triển vọng nền kinh tế của Việt Nam. Theo đó, có 17% cho biết nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh, 35% cho biết nền kinh tế sẽ tiếp tục được giữ vững. 31% cho rằng nền kinh tế sẽ suy giảm và 17% không đưa ra ý kiến. Thống kê cho thấy có sự chệnh lệch giữa các cấp bậc về sự lạc quan tăng trưởng; sự lạc quan lại tỷ lệ nghịch với cấp bậc; cấp càng cao thì sự lạc quan về tăng trưởng càng giảm so với các cấp thấp hơn. Cụ thể, 58% nhóm ứng viên mới ra trường đi làm lạc quan về kinh tế Việt Nam sẽ giữ vững ổn định hoặc tăng trưởng; 53% nhóm Trưởng nhóm/Giám sát có cùng ý kiến này và 50% nhóm Trưởng phòng/Phó phòng.

Báo cáo Thị trường Nhân sự năm 2021 của Navigos Group giúp các DN cạnh tranh hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân sự giỏi. Bên cạnh đó, các DN cũng có cơ sở để điều chỉnh mức lương dựa trên thực tế của thị trường cũng như giúp DN một lần nữa hiểu rõ các yếu tố quan trọng của ứng viên khi họ gia nhập công ty hoặc rời bỏ tổ chức. Cải tiến, xây dựng cơ chế lương thưởng cạnh tranh dựa trên thực tế của thị trường và tiềm lực của DN. Cải tiến, xây dựng chế độ phúc lợi xã hội có giá trị thực tiễn đối với NLĐ; hiểu rõ đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao để từ đó xây dựng các cơ chế lương, thưởng và các chế độ phúc lợi phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng, cải tiến lộ trình về nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên, qua đó xây được các cơ chế tăng lương, thưởng một cách hợp lý cho từng nhóm đối tượng…

Theo http://baobaohiemxahoi.vn