Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế

07/12/2020 08:44 AM


Ngày 26-11 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 20 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30 ngày 30-10-2018 ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo thông tư mới này, kể từ ngày 15-1-2021 Quỹ BHYT sẽ mở rộng thanh toán nhiều loại thuốc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bào chế hoặc pha chế; đồng thời thanh toán thêm một loại thuốc phối hợp được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Ðây không phải là lần đầu, mà đã là lần thứ hai trong năm 2020 danh mục thuốc quy định tại Thông tư số 30 được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng. Thông tư số 30 cũng được xem là một bước tiến lớn so với trước đó, khi đã bổ sung 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau vào danh mục các thuốc được BHYT thanh toán; bổ sung dạng dùng của sáu thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán sáu thuốc… nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ BHYT dễ tiếp cận các loại thuốc trong quá trình điều trị.

Tính đến thời điểm này, Quỹ BHYT đã thanh toán và chuẩn bị thanh toán cho hàng chục nghìn loại thuốc (theo tên thương mại) với nhiều hàm lượng, dạng bào chế…, chưa kể hàng trăm chế phẩm và vị thuốc y học cổ truyền. Theo quy định, việc lựa chọn thuốc được Quỹ BHYT thanh toán cũng không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc, mức giá rẻ hay đắt, nguồn gốc sản xuất trong nước hay nhập khẩu... mà hoàn toàn căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT.

Khi so sánh với danh mục thuốc chi trả BHYT tại một số quốc gia trong khu vực như Thái-lan, Phi-li-pin hay danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), danh mục thuốc chi trả từ Quỹ BHYT tại Việt Nam được đánh giá là rộng hơn về số lượng hoạt chất cũng như số lượng các loại thuốc. Nước ta cũng được xem là một trong số ít các quốc gia có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT.

Trên thực tế, với danh mục thuốc ngày càng được mở rộng và số lượt bệnh nhân BHYT gia tăng, chi phí cho thuốc từ Quỹ BHYT cũng không ngừng tăng cao (từ hơn 26.000 tỷ đồng đã tăng lên khoảng 41.800 tỷ đồng trong năm 2019). Việc tăng chi cho thuốc cũng đồng nghĩa với việc quyền lợi của người BHYT được bảo đảm tốt hơn và xu hướng này chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới, khi danh mục thuốc được thanh toán vẫn là một "danh sách mở". Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả thực tế đáng mừng này, việc mở rộng danh mục thuốc được BHYT thanh toán cũng đặt ra những bài toán, nỗi lo cần giải quyết. Trong đó, nỗi lo lớn nhất là mặc dù tỷ lệ chi tiêu cho thuốc trong tổng chi khám, chữa bệnh BHYT tại nước ta đang có xu hướng giảm dần (hiện chiếm khoảng 35%), nhưng vẫn cao hơn so với những quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, đó là chưa nói tới việc giá trị thanh toán vẫn tăng về số tuyệt đối sau mỗi năm, ngày càng tạo áp lực cho việc thực hiện mục tiêu cân đối thu - chi của Quỹ BHYT trong bối cảnh mức đóng bình quân còn thấp.

Nhiều người lo ngại việc mở rộng danh mục thuốc còn dễ khiến các bác sĩ "nới tay" hơn khi kê đơn cho người bệnh, dễ có xu hướng lựa chọn sử dụng những loại thuốc ngoại thế hệ mới, đắt tiền hoặc những thuốc không thật sự cần thiết, gây lãng phí Quỹ BHYT. Thậm chí, nếu việc kê đơn kháng sinh bị lạm dụng còn có thể làm tăng tình trạng kháng kháng sinh - một trong những vấn đề về sức khỏe đang khiến cả thế giới lo ngại. Và điều lo lắng còn được đặt vào hiện tượng gian lận trong khám, chữa bệnh BHYT như đã từng xảy và bị phát hiện… Ðiều đó cho thấy, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu điều trị, bảo vệ sức khỏe cho người bệnh có thẻ BHYT, cùng với việc mở rộng danh mục thuốc, chúng ta cũng cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp quản lý để Quỹ BHYT được sử dụng đúng quy định, hợp lý và hiệu quả nhất.

Theo https://www.nhandan.com.vn/