Hệ thống an sinh xã hội ngày càng trở thành bộ phận cốt lõi của chính sách kinh tế

12/11/2020 09:20 AM


Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra khuyến nghị đóng góp cho dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam, trong đó có nội dung về chăm sóc sức khỏe và phát triển an sinh xã hội bền vững.

Về nhiệm vụ phát triển văn hoá-xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, WB cho rằng, hệ thống chăm sóc sức khỏe dài hạn người cao tuổi của Việt Nam hiện đang rất kém phát triển, nên cần được ưu tiên quan tâm nghiêm túc hơn trong những năm tới. Giống như các quốc gia đang có tốc độ già hóa nhanh khác, Việt Nam sẽ cần phải tìm ra một vai trò thích hợp và bền vững cho Nhà nước trong một lĩnh vực vốn có truyền thống là gia đình, cộng đồng và hệ thống y tế. Kỳ vọng của người dân về vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ nhu cầu chăm sóc người già đang tăng lên ở Việt Nam.

Theo WB, một hệ thống như vậy sẽ mang lại 2 lợi ích quan trọng. Thứ nhất, tăng cường sự sẵn có của dịch vụ chăm sóc xã hội có chất lượng, làm giảm chi tiêu cho chăm sóc y tế. Điều này xảy ra khi mọi người thay thế chăm sóc y tế đắt tiền hơn bằng chăm sóc xã hội ít tốn kém hơn, khi tỷ lệ thương tật giảm xuống, và thời gian nằm viện, nhập viện điều trị nội và ngoại trú giảm. Thứ hai, dịch vụ chăm sóc xã hội có chất lượng có thể tăng thu nhập của hộ gia đình, vì những người chăm sóc người già hoặc người tàn tật trong gia đình được tự do gia nhập thị trường lao động hoặc tích cực tham gia vào các công việc được trả lương. Các chính sách chủ động về chăm sóc dài hạn người cao tuổi rất quan trọng và đòi hỏi sự suy nghĩ thấu đáo về cách các hệ thống mới này nên tương tác với các hệ thống y tế không chính thức và hệ thống phúc lợi và y tế chính thức.

Về an sinh xã hội, WB nhận định, hệ thống an sinh xã hội sẽ ngày càng trở thành bộ phận cốt lõi của chính sách kinh tế, chứ không chỉ của chính sách xã hội. Hệ thống tương lai sẽ ngày càng cần phải là một hệ thống khuyến khích tiết kiệm quốc gia để hỗ trợ tăng trưởng bao trùm và ứng phó với dân số già, thúc đẩy thị trường lao động hiệu quả hơn và quản lý rủi ro cấp quốc gia và cấp hộ gia đình.

Theo đó, dần dần Việt Nam sẽ phải chi ngân sách nhiều hơn cho hệ thống an sinh xã hội, bao gồm cả mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, cho BHXH khi dân số già đi và tỷ lệ bao phủ mở rộng, cho các chương trình lao động tích cực mà chi ngân sách hiện đang ở mức thấp. Đồng thời, sẽ cần phải phát triển cách thức tài trợ cho hệ thống an sinh xã hội, nếu Chính phủ dự định đưa khu vực phi chính thức tham gia nhiều hơn vào các chương trình phòng ngừa, với nguồn thu từ nguồn thu chung- đóng vai trò lớn hơn thông qua tài trợ hỗn hợp cho các chương trình đóng góp truyền thống.

Tỷ trọng thu ngày càng tăng của hệ thống an sinh xã hội sẽ đến từ nguồn thu chung so với đóng góp xã hội, dưới hình thức chuyển trực tiếp cho trợ cấp xã hội và trợ cấp để khuyến khích sự tham gia của NLĐ phi chính thức trong các chương trình đóng góp.

Hệ thống cung cấp dịch vụ an sinh xã hội sẽ cần được tích hợp nhiều hơn nữa, với hệ thống định danh chung, ghi danh, thanh toán và các nền tảng khác trong các chương trình chính. Hệ thống cũng sẽ cần trở nên năng động hơn và hướng đến khách hàng, với cách sắp xếp “đầu-cuối” thống nhất hơn để cung cấp dịch vụ, nhằm làm cho các dịch vụ an sinh xã hội trở nên thuận tiện hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Công nghệ chuyển đổi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một hệ thống cung cấp an sinh xã hội tích hợp, chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Khi hệ thống an sinh xã hội hiện đại hóa hơn nữa, các bên tham gia từ khu vực tư nhân sẽ có vai trò ngày càng lớn (cả vì lợi nhuận và phi lợi nhuận) trong việc cung cấp dịch vụ, từ đó đặt ra những yêu cầu mới đối với khu vực công để điều chỉnh, ký hợp đồng và tạo điều kiện cho các nhà cung cấp phi chính phủ. Các bên tham gia phi chính phủ sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong việc cung cấp các yếu tố cụ thể của dịch vụ an sinh xã hội (ví dụ như thanh toán) và trở thành nhà cung cấp được thuê ngoài các dịch vụ phức tạp như dịch vụ chăm sóc người già, người khuyết tật và đào tạo việc làm.

 

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn