Cần giải pháp đột phá về nguồn nhân lực qua đào tạo

04/11/2020 03:20 PM


Đánh giá bức tranh kinh tế- xã hội thời gian qua, các ĐBQH đều nhận định, năm 2020 dù gặp khó khăn nặng nề từ trong và ngoài nước, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đã đạt kết quả đáng ghi nhận.

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, trong bối cảnh Covid-19 khó khăn, nước ta vẫn tăng trưởng dương, trong khi hầu hết các nền kinh trên thế giới rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam lại ghi thêm dấu ấn lịch sử: Lần đầu tiên đã vượt Singapore, Malaysia trở thành 1 trong 4 nền kinh tế có quy mô lớn nhất ASEAN.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế còn nhiều điểm chưa thể hài lòng. Trong khi các chính sách kinh tế vĩ mô như tài khóa, tiền tệ và các chính sách phát triển như nông nghiệp, xuất khẩu... được hoạch định tương đối tốt thì đại dịch Covid-19 cũng là phép thử cho thấy, mạng lưới an sinh xã hội vẫn còn nhiều lỗ hổng. Mặc dù đã tăng 1,3 lần trong 5 năm qua nhưng đến nay mới chỉ có 1/3 lực lượng lao động tham gia BHXH. Điều này một phần do khu vực kinh tế phi chính thức còn quá lớn, mặt khác cũng có nghĩa phần lớn NLĐ đã và sẽ không nhận được những hỗ trợ cần thiết vào đúng thời điểm họ cần được hỗ trợ nhất. Đồng thời, việc thiết kế và triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho NLĐ và các đối tượng yếu thế còn lúng túng và kém hiệu lực cũng là việc cần phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh…

Để thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao trong khi vẫn bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, vẫn tiếp tục cải cách thể chế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, khơi thông các nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, cần đặt quyết tâm trong nhiệm kỳ này thực hiện được mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3,4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN. Đồng thời, Chính phủ cần có chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ nhằm tới mục tiêu có được ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025. Và cần có khung pháp lý và chính sách thúc đẩy minh bạch hóa và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể- nơi sinh kế của hàng chục triệu đồng bào.

Đồng tình quan điểm, song về chất lượng lao động, ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) nhận định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã nhận thức đúng tầm quan trọng và luôn quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực qua đào tạo. Tuy nhiên, nhân lực qua đào tạo hiện nay chất lượng còn thấp, cơ cấu chưa hợp lý, phần lớn thiếu kỹ năng làm việc, thiếu lao động tay nghề cao trong nhiều ngành, lĩnh vực, kể cả các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, là động lực phát triển kinh tế. Trong khi đó, việc đào tạo chưa sát thị trường; số người thất nghiệp có trình độ đại học, sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành đã được đào tạo còn cao; NSNN chi cho giáo dục nghề nghiệp, đào tạo cao đẳng, đại học còn thấp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thực hiện chưa thực sự tốt vai trò định hướng, điều tiết, kiểm soát trong các khâu của quá trình đào tạo.

Để vượt qua thách thức tụt hậu xa về kinh tế, rất cần có các giải pháp đột phá, trong đó có giải pháp về nguồn nhân lực qua đào tạo. Chính phủ quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong cả nước, từng vùng và địa phương. Cùng với đó, thực hiện tốt hơn cơ chế, chính sách thúc đẩy việc định hướng, phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau bậc trung học; tăng cường năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo cao đẳng, đại học. Đổi mới mạnh mẽ việc phân bổ dự toán chi cho đào tạo, dạy nghề theo hướng tăng NSNN, khắc phục cấp phát ngân sách theo bình quân, tiến hành giao kinh phí theo số lượng, chất lượng dịch vụ theo kết quả đầu ra. Tổ chức đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các ngành nghề mà nền kinh tế rất cần, như logistics, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực, giảm chi phí cho người học. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trục lợi trong đào tạo; khắc phục tình trạng đào tạo không đảm bảo chất lượng, đào tạo không xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động, không vì quyền lợi của người học.

Với xã hội hóa dịch vụ công trong giáo dục, y tế, theo ĐB Phan Viết Lượng, vừa qua đã huy động được các nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước đầu tư mở rộng nguồn cung ứng, đa dạng hóa các loại hình và các sản phẩm dịch vụ, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và KCB cho nhân dân. Tuy nhiên, nhận thức về sự cần thiết, mức độ xã hội hóa trong một số nhiệm vụ còn chưa đầy đủ; các quy định pháp luật liên quan xã hội hóa còn thiếu và chưa đồng bộ. Mặt khác, việc xã hội hóa cũng đã bộc lộ những mặt trái gây ra các tác động tiêu cực liên quan đến tăng giá dịch vụ, đảm bảo chất lượng, khả năng tiếp cận dịch vụ, sự phân biệt đối xử đối với người sử dụng dịch vụ, nhất là người nghèo.

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn