Bao phủ BHYT HSSV 100%: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục

10/09/2020 09:29 AM


Với sự nỗ lực từ ngành BHXH và sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ GD-ĐT, công tác BHYT HSSV thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Hiệu quả từ công tác tuyên truyền trong hệ thống giáo dục góp phần thay đổi tích cực cách nhìn nhận của HSSV và phụ huynh đối với chính sách BHYT HSSV. Để hiểu rõ hơn về công tác này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT).

* PV: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT đến với HSSV và các bậc phụ huynh được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ông có thể cho biết, công tác này được ngành GD-ĐT thực hiện ra sao trong thời gian qua?

Ông Bùi Văn Linh: Ngành GD-ĐT đã xác định công tác y tế trường học, BHYT HSSV rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho HSSV. Vì vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản pháp lý liên quan, kế hoạch liên ngành đã được Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ, kịp thời, thể hiện sự nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện BHYT HSSV.

Ông Bùi Văn Linh

Trong đó, công tác truyền thông các nội dung của Luật BHYT và các quy định liên quan đã được ngành GD-ĐT tập trung chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà giáo, nhân viên y tế và HSSV trong việc tham gia BHYT, đặc biệt là BHYT cho HSSV.

Nhìn chung, việc tổ chức tuyên truyền cho các bậc phụ huynh HS đã được các cơ sở giáo dục làm tốt thông qua các buổi họp phụ huynh, diễn đàn, tọa đàm. Qua đó, phụ huynh đã hiểu rõ chính sách BHYT, mức đóng, mức được hỗ trợ đóng, trách nhiệm và phương thức đóng BHYT, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong BHYT và lợi ích của việc tham gia BHYT.

Ngoài những quy định bắt buộc như trong quy chế công tác của Bộ GD-ĐT, một số trường còn chú trọng tuyên truyền cho SV ngay từ năm đầu nhập học; lồng ghép nội dung tuyên truyền qua mỗi dịp sinh hoạt lớp; đưa những nội dung về BHYT gắn với hình ảnh, video clip đến với SV thông qua mạng xã hội; phát các tờ gấp về chính sách, quyền lợi nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Ngoài ra, một số trường cũng đã tổ chức các diễn đàn, mời các chuyên gia đến để trao đổi với SV, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BHYT…

* Mặc dù công tác tuyên truyền của cả ngành BHXH và GD-ĐT đã tác động rất tích cực tới HSSV và các bậc phụ huynh nhưng vẫn còn một số bộ phận HSSV chưa tham gia BHYT. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tồn tại này?

- Bên cạnh kết quả đạt được, công tác BHYT HSSV còn những khó khăn, cụ thể như: Tỷ lệ HS tham gia BHYT mới chiếm hơn 95%, chưa đồng đều giữa các cấp học, bậc học như tỷ lệ SV tham gia  chỉ chiếm khoảng 80%, đặc biệt là SV ở các trường dạy nghề còn thấp.

Bên cạnh đó, theo Nghị định số 146 ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp kinh phí từ Quỹ BHYT để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu phải có đủ các điều kiện: Có ít nhất một cán bộ có đủ điều kiện hành nghề KCB theo quy định của pháp luật, làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; nhà trường phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HSSV bị tai nạn thương tích, mắc các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường. Tuy vậy, thực tế hiện nay một số cơ sở giáo dục vẫn chưa thể đáp ứng, đây cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại trường học.

Luật BHYT quy định BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhưng thiếu chế tài xử lý vi phạm, do đó hiệu quả còn chưa cao. Công tác truyền thông về BHYT HSSV dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đa dạng về hình thức, chưa thường xuyên và đơn giản về nội dung nên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thu kinh phí BHYT HSSV tại một số nhà trường chưa thường xuyên, chưa đồng bộ và chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa các ban ngành trong việc chỉ đạo thực hiện công tác BHYT HSSV tại một số địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Điều kiện về nhân lực làm công tác y tế trường học, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe HSSV còn trong tình trạng thiếu thốn và bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại các nhà trường, đặc biệt tại vùng khó khăn, vùng DTTS.

Ngoài ra, chất lượng KCB BHYT tuy đã được nâng lên một bước nhưng đôi lúc, đôi nơi vẫn còn hiện tượng quá tải ở các BV; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu… làm giảm sức hấp dẫn của BHYT.

* Vậy để đảm bảo mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

- Trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được tăng lên, HSSV đang được hưởng thụ nhiều lợi ích khi đi KCB BHYT. Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mãn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng mỗi trường hợp.

Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, sự chăm sóc y tế dành cho HSSV thường xuyên, liên tục từ khi bắt đầu bước vào trường học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong năm học mới 2020- 2021, để phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục yêu cầu các Sở GD-ĐT, các học viện, trường ĐH, CĐ và trung cấp sư phạm tập trung, tích cực triển khai công tác BHYT HSSV; đưa kết quả thực hiện vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các sở GS-ĐT, phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong các cơ sở giáo dục năm học 2020 - 2021.

Các đơn vị trong ngành GD-ĐT tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú tới HSSV và cha mẹ các em về quyền lợi, trách nhiệm, vai trò, ý nghĩa nhân văn của các chính sách, pháp luật về BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV.

Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BHYT HSSV tại các nhà trường. Có hình thức xử lý kịp thời đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về BHYT. Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác BHYT cho HSSV, tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động y tế trường học bền vững gắn với y tế cơ sở....

* Trân trọng cảm ơn ông!

Theo http://baobaohiemxahoi.vn