“Gánh nợ” vì không có BHYT!

20/07/2020 10:57 AM


Giữa tháng 6 vừa qua, anh L.Q.L (sinh năm 1975, quê tỉnh Tiền Giang) bất ngờ bị tai nạn giao thông, bị gãy xương đòn và 3 xương sườn trên bên trái. Đáng tiếc, từ đầu năm 2020 đến nay, anh L. chưa gia hạn tham gia BHYT nên giờ đây gia đình phải vay mượn trên 20 triệu đồng để điều trị cho anh.

Vợ anh L. làm công nhân may tại KCN Tân Hương (Long An) nên đã tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Hai con gái của anh đang học THCS ở Tiền Giang cũng tham gia BHYT học đường theo quy định. Tuy nhiên, anh L. là lao động tự do, công việc không đều đặn, việc tham gia BHYT của anh cũng năm có năm không.

“Lúc các bác sĩ thông báo chi phí phẫu thuật khoảng hơn 20 triệu đồng, cả nhà đều lo lắng. Giá như ông xã tui tham gia BHYT thì cả nhà đâu phải lo vay mượn khoản tiền khá lớn này…”- vợ anh L. trải lòng.

Nhận thức được rõ điều đó nên khi còn trên giường bệnh, anh L. đã điện thoại cho con gái: “Mang thẻ BHYT cũ của ba ra UBND xã nhờ cô chú ngoài đó đăng ký mới dùm ba. Sắp tới không có nó là nhà mình tốn tiền nữa con à...”.

Câu chuyện của anh L. hiện khá phổ biến với những lao động tự do, bởi họ ít khi quan tâm tới việc tham gia BHYT để phòng thân. Có những trường hợp bị tai nạn chấn thương rất nặng, suốt quá trình điều trị, phía BV thông qua nhiều kênh thông tin tìm thân nhân người bệnh. Có những trường hợp mấy tháng mới tìm được, BV cũng đành… thúc thủ khi thấy gia cảnh họ rất khó khăn, nên đành lòng “miễn phí điều trị” hoặc cầu cứu các nhà hảo tâm ra tay trợ giúp.

Theo ước tính, mỗi năm BV quận Thủ Đức và BV quận 2 đều tiếp nhận, cấp cứu và điều trị hàng trăm ca tai nạn giao thông mà bệnh nhân không thẻ BHYT. Trong đó, mỗi BV hạng I tuyến cơ sở này đều “ôm trọn gói” viện phí vài chục ca do hoàn cảnh gia đình người bị nạn quá khó khăn và không thẻ BHYT. Dù được hỗ trợ thì không ít gia đình lâm cảnh kiệt quệ, phải vay mượn khắp nơi vẫn không đủ tiền chữa trị bệnh cho người thân.

Do đó, nỗ lực bao phủ BHYT toàn dân, với nguyên tắc cốt lõi là san sẻ gánh nặng viện phí chính là “con đê ngăn dòng chảy nghèo hóa” hữu hiệu nhất. Gần đây nhất, truyền thông đưa tin những bệnh nhân không may mắc bệnh lý Hemophilia (rối loạn đông máu) phải điều trị với chi phí hàng chục tỷ đồng mới thấy hết được vai trò, ý nghĩa mà chính sách BHYT mang lại. Thế nên, việc có trong tay tấm thẻ BHYT để tránh bị nghèo hóa cũng chính là cách mỗi người tự bảo vệ chính mình trong thời buổi giá viện phí tăng cao.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn