Cần duy trì niềm tin trong chỉ đạo điều hành

10/07/2020 08:20 AM


Sáng 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhằm đánh giá công tác điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong việc điều hành đúng, linh hoạt, kịp thời, mang lại sự phát triển, ổn định xã hội và niềm tin cho nhân dân. Đồng thời nhận định, nguy cơ dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, trong khi suy giảm kinh tế thế giới đã tác động nặng nề đến tình hình kinh tế-xã hội đất nước…

Do đó, đòi hỏi cần phải có giải pháp dài hạn để ứng phó, để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc triển khai các gói hỗ trợ phải mang tính dài hạn, bởi dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng. Bên cạnh việc cứu trợ DN, cũng cần xem xét tạo điều kiện để DN duy trì hoạt động và tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Hội đồng cũng đề xuất Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 11, Nghị quyết 42, Nghị quyết 84 của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống của người dân. Nghiên cứu để từ nay đến năm 2021 xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các ngành, lĩnh vực ngắn hạn, trung hạn, trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đời sống, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân. Thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ theo phương châm chủ động, tích cực hỗ trợ tăng trưởng là rất quan trọng…

Sau khi nghe các thành viên Hội đồng đóng góp ý kiến, phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng đã ghi nhận các ý kiến đóng góp; đồng thời giao NHNN Việt Nam- cơ quan thường trực của Hội đồng và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo kiến nghị của Hội đồng tại cuộc họp để Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về vĩ mô tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng cũng cho rằng, xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, bao gồm cả về tài khóa và tiền tệ. Song cần lưu ý, nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra… khiến thế giới lún sâu vào suy thoái. Nhận định Việt Nam có cơ hội lớn trong phát triển khi sớm khống chế được dịch bệnh, nền tảng vĩ mô ổn định và môi trường thuận lợi, Thủ tướng cho nhấn mạnh: “Chúng ta quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, đưa nền kinh tế vượt lên, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội đi liền với phòng thủ dịch bệnh”.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, Hội đồng cần có quyết sách mới, chủ động, tích cực và có trách nhiệm hơn nữa trước Đảng và nhân dân trong việc kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh trở lại. Đồng thời, cần điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt mục tiêu kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống cũng như giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin trong chỉ đạo điều hành.

Cũng trên cơ sở các ý kiến góp ý, Thủ tướng đồng ý kịch bản tăng trưởng và lạm phát đề ra, đó là tăng trưởng từ 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%; đồng thời kiên quyết không để mất niềm tin vào công tác chỉ đạo, điều hành. Để hoàn thành mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT, NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng và lạm phát theo từng quý để kiểm điểm, đánh giá và có đối sách kịp thời.

Đồng thời, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tập trung kích cầu nội địa, không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhất là nghiên cứu những thị trường mới, đẩy mạnh thanh toán điện tử, kinh tế số… Đáng chú ý, phải có chính sách đặc thù phù hợp, sát thực tiễn, phản ánh được hơi thở, yêu cầu của nền kinh tế và của người dân, DN.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn