Chính phủ cần điều chỉnh điều kiện hỗ trợ để DN và NLĐ hưởng gói an sinh xã hội

16/06/2020 10:33 AM


Thảo luận tại hội trường chiều 15/6, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn để DN khôi phục sản xuất, tạo điều kiện để DN và NLĐ được hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội.

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của NLĐ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019, khi đến đầu tháng 6/2020, Việt Nam đã có nửa triệu lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, về vấn đề việc làm và tạo việc làm mới cũng giảm rất nhanh trên thị trường lao động, hiện chỉ bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động mới chỉ còn 75,4%- thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Đáng chú ý, số DN và NLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã lên tới 1.400 DN với 124.000 lao động. “Điều này cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của DN đang rất khó khăn. Tôi thống nhất rất cao với đề xuất của ĐB Vũ Tiến Lộc và đề nghị Chính phủ tiếp tục điều chỉnh điều kiện và tiêu chuẩn hỗ trợ cho DN và NLĐ để được hưởng gói an sinh xã hội chưa có tiền lệ”- ĐB Lợi nói.

Cũng theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, đến nay, chúng ta đã có 16 triệu người được hưởng gói hỗ trợ, trong khi dự báo có khoảng 20 triệu người (6 triệu lao động được hưởng lợi ích này do suy giảm, giảm sâu thu nhập- đánh giá được gói hỗ trợ rất tốt). Tuy nhiên, gói hỗ trợ 16.000 tỷ cho DN vay để trả lương cho NLĐ với mức thêm 1,8 triệu đồng/lao động là không tiếp cận được. Vì vậy, Chính phủ phải điều chỉnh giảm điều kiện về tiêu chí. "Tại sao chúng ta lại đặt DN có doanh thu 50 tỷ và đóng BHXH cho dưới 100 lao động thì mới được giảm thu nhập DN? Có lẽ, tiêu chí này phải xem xét lại, bởi DN nào suy giảm ở mức độ nào thì hỗ trợ ở mức độ đó, chưa hẳn những DN như thế này đã có khó khăn hơn"- ĐB Lợi nói.

ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng chỉ rõ, trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chúng ta đã giảm còn 3,75% hộ nghèo cuối năm 2019 và 4,45% tỷ lệ hộ cận nghèo- đây là một con số rất thuyết phục, rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, số tái nghèo tăng bình quân 17,82% so với tổng số hộ nghèo thoát ra trong năm 2019, có nghĩa số mới bổ sung rất lớn. Mặt khác, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng giãn cách rất xa...

“Quốc hội, Chính phủ tổng kết Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để xây dựng một tiêu chí mới, phấn đấu khắc phục được chênh lệch giàu nghèo. Ngoài ra, Chính phủ nên có ưu tiên phân bổ ngân sách cho lĩnh vực xã hội và đặc biệt quan tâm đến vấn đề 5 mục tiêu, 5 chỉ tiêu về dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân ở các KCN. Đặc biệt, vấn đề nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị khô hạn và xâm nhập mặn”- ĐB Lợi đề nghị.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/