Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội đáng trân trọng

09/06/2020 01:36 PM


Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và NSNN; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018; Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô

Thảo luận về Báo cáo kinh tế-xã hội và NSNN, các ĐBQH cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức cao hơn so với các nước; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh rõ, đầy đủ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua; những khó khăn, thách thức; đồng thời đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Các ĐB cũng cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn, những kết quả quan trọng này là rất đáng trân trọng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, động viên và củng cố niềm tin của người dân, DN và toàn xã hội vào Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới. Sự thành công trong phòng chống đại dịch được các nước, tổ chức trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chỉ rõ, trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh chủ động phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, thì trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, phòng chống lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. “Để thực hiện được những mục tiêu trên, Chính phủ cần đưa ra mức tăng trưởng ở mức ổn định, kích cầu kinh tế bằng giải pháp kích cầu nội địa, nới lỏng tín dụng và ưu tiên đầu tư công vào những dự án thiết thực, cấp bách”- ĐB Phương nhận định.

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Ninh Bình) cũng cho biết: Song song với các giải pháp khuyến khích kích cầu mua sắm, tiêu dùng nội địa, Chính phủ cần chú trọng đến phát triển du lịch bằng cách kích cầu du lịch ở trong nước. Ngoài ra, Chính phủ nên hỗ trợ các DN du lịch bằng cách giãn nợ tiền thuê đất cho đến khi DN vượt qua được khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra...

Thảo luận về những thách thức, khó khăn của kinh tế-xã hội, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, còn nhiều bất cập, tồn tại như đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; cải cách hành chính, cải cách thể chế chưa có nhiều chuyển biến tích cực, chưa có nhiều giải pháp để tận dụng tốt các cơ hội trong phát triển kinh tế-xã hội.

“Năm 2020 đặt ra sẽ có khoảng 65% lao động qua đào tạo, nhưng thực tế không thực hiện được. Hiện nay, có một số nguyên nhân như chưa xây dựng được CSDL về thị trường lao động, trong đó có nhu cầu của các dự án đầu tư cần các loại hình lao động, nên các trường không có cơ sở để đào tạo, lựa chọn đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Số lượng các trường, cơ sở đào tạo nghề rất lớn, nhưng chất lượng đào tạo cũng như sự kết nối giữa 3 nhà (nhà trường, DN, NLĐ) còn rất hạn chế...”- ĐB Lan nêu.

Về dự kiến điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2020, ĐB Đỗ Thị Lan cho biết, Chính phủ dự kiến điều chỉnh chủ yếu là các chỉ tiêu về kinh tế; song ĐB quan tâm một số chỉ tiêu về xã hội mà khả năng không thực hiện được. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát một cách toàn diện một số chỉ tiêu như chỉ tiêu về thất nghiệp, giải quyết việc làm và giảm nghèo. “Năm 2019, chúng ta đạt chỉ tiêu giảm nghèo, nhưng tỷ lệ cận nghèo và tái nghèo lại tăng. Vậy năm 2020, chúng ta có đạt chỉ tiêu hay không. Cần xem xét cụ thể các chỉ tiêu và có điều chỉnh một cách toàn diện, kể cả chỉ tiêu kinh tế và xã hội”- ĐB Lan nhấn mạnh.

Cần rà soát các dự án, tránh chồng chéo, lãng phí

Thảo luận về Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đa số ĐBQH cho rằng, việc Quốc hội ban hành Chương trình này là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, nhìn vào các mục tiêu chung của Chương trình, còn sự trùng lắp với 2 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp để tránh sự trùng lắp, dẫn đến đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Còn ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ băn khoăn về việc huy động nguồn lực đầu tư, bởi đây không phải hỗ trợ như giảm nghèo, mà là đầu tư cho phát triển trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt đây là khu vực khó khăn nhất. Do vậy, cần phải có chính sách đặc thù để thu hút DN đầu tư đến khu vực này, chứ không thể áp dụng “cào bằng” như các khu vực khác. Thực tế cũng có nhiều DN muốn đầu tư từ thiện, nhưng vấn đề hiện tại là vướng cơ chế nên không thể thực hiện. Mặt khác, “không thể cứ mang tiền, mang người từ xuôi lên rồi tiêu hết tiền, người cũng về”. Vấn đề đặt ra là cần phát triển học vấn cho bà con dân tộc, nếu không đào tạo, “trường không ra trường, lớp không ra lớp” thì rất khó khăn. Đây mới là cái gốc, nếu không nghèo vẫn hoàn nghèo và các hủ tục thì vẫn tồn tại mãi.

Đồng quan điểm, ĐB Tráng Thị Xuân (Sơn La) cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại các dự án, tiểu dự án trong Chương trình để tránh sự chồng chéo, trùng lắp với các chương trình đã thực hiện trước đó như: Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, cần có sự rà soát kỹ lưỡng những dự án, hạng mục nào đã được đầu tư ở những chương trình trước, thì không cần đầu tư ở chương trình mới nữa; hoặc có thể tích hợp các chương trình, dự án lại với nhau. Ngoài ra, hiện nhiều chương trình đều có sự lồng ghép và có nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, các địa phương mất rất nhiều thời gian để phân định đối tượng được thụ hưởng, nên Chính phủ cần có báo cáo, rà soát kỹ để tránh sự hỗ trợ sai mục đích, đối tượng.

Đồng ý với quan điểm trên, ĐB Quàng Văn Hương (Sơn La) cho biết: Hiện nay, các đối tượng, hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng từ Chương trình MTQG chưa rõ ràng, nên rất khó khăn cho các cơ quan, ban ngành, địa phương xác định cụ thể nguồn vốn để chủ động động được số tiền hỗ trợ là bao nhiêu. Ngoài ra, trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ chỉ nên ưu tiên đầu tư vào những dự án nào thực sự cấp thiết với người dân và có hiệu quả, chứ không nên đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, cơ quan giám sát của Quốc hội cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ cho đồng bào DTTS và miền núi, dự án đầu tư để tránh sự lãng phí, thất thoát nguồn vốn của Nhà nước.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn