Xây dựng chính sách An sinh xã hội bao trùm và bền vững (Bài 01)

19/05/2020 02:18 PM


Trong những năm qua, chính sách An sinh xã hội của Nhà nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; làm thay đổi căn bản nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về chính sách xã hội; hình thành và phát triển hệ thống An sinh xã hội hướng đến bao phủ toàn dân; góp phần nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của Nhân dân.

(Ảnh minh họa)

Hệ thống chính sách được xây dựng, thực hiện đồng bộ

Có thể khẳng định, chưa bao giờ chúng ta có được hệ thống chính sách an sinh hoàn thiện, bao quát và nhân văn như hiện nay. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Luật và Bộ luật, 02 Pháp lệnh, 03 Nghị quyết; Chủ tịch nước ban hành 07 văn bản; Chính phủ ban hành 12 Nghị quyết và 87 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 08 Chỉ thị và 162 Quyết định; các Bộ, ngành ban hành 181 Thông tư và Thông tư liên tịch cùng các văn bản hướng dẫn khác để triển khai thực hiện chính sách xã hội. Các chính sách xã hội đã cơ bản bao trùm, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo quyền an sinh của người dân và góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, trên 1,3 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng, cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đáp ứng yêu cầu của người có công, nhất là thương binh nặng. Công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng được quyết liệt thực hiện, đạt kết quả thiết thực với trên 6.000 hồ sơ. Đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 393.707 hộ người có công khó khăn về nhà ở, vượt mục tiêu chính sách. Phấn đấu đến hết năm 2020, không còn người có công thuộc hộ nghèo.

Giải quyết việc làm đáp ứng được nhu cầu của người lao động.Bình quân hàng năm giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 đến 1,6 triệu người; đưa trên 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp 2,0 - 2,2%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,5%, đạt mục tiêu Nghị quyết. Quan hệ lao động đã được cải thiện, hướng đến hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Giảm nghèo bền vững, tiếp cận đa chiều cải thiện đáng kể diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%; có 8/64 huyện nghèo và 14/44 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Giai đoạn 2016-2020, mặc dù chuẩn nghèo được điều chỉnh tăng và tiếp cận nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn dưới 4% năm 2019. Thu nhập bình quân hộ nghèo dự kiến đến cuối năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010.

BHXH, BHTN trở thành trụ cột quan trọng của An sinh xã hội. Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào bảo đảm An sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước. Các chế độ BHXH đã bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế, bao gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động; khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức.

Trong tổ chức thực hiện, phát triển BHXH ngày càng tiến bộ. Giai đoạn 2012-2016, bình quân mỗi năm tăng 5,45% số người tham gia, từ 10,565 triệu người lên 13,065 triệu người vào năm 2016; giai đoạn 2017-2019, nhất là sau khi triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW, công tác quản lý có nhiều đổi mới trong cách làm. Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho địa phương, góp phần tăng số người tham gia bình quân mỗi năm 6,48%, đạt 15,774 triệu người vào năm 2019, tăng gần 45% so với năm 2012 và chiếm 31,9% lực lượng lao động trong độ tuổi. Năm 2019, chính sách BHXH tự nguyện được triển khai với nhiều đổi mới về phương thức tổ chức thực hiện, tạo bước đột phá về số lượng người tham gia, đã có thêm 296.753 người, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên 573.943 người, bằng 10 năm triển khai thực hiện trước đó. Mục tiêu về tỷ lệ tham gia BHXH dự kiến đạt theo Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Độ bao phủ của BHTN không ngừng được mở rộng, từ 8,27 triệu người năm 2012 lên 13,429 triệu người năm 2019, chiếm 27,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; dự kiến, đạt mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW (28% vào năm 2021).

Việc hoàn thiện chính sách, tăng đầu tư của ngân sách nhà nước và cải tiến phương thức thực hiện đã tạo đột phá về tỷ lệ bao phủ BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ BHYT. Đến hết năm 2019 số người tham gia BHYT đạt trên 85,390 triệu người, chiếm 90,0% dân số, cơ bản đã bao phủ toàn dân, vượt trước 04 năm so với mục tiêu Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương.

Hệ thống trợ giúp xã hội đã hỗ trợ kịp thời những người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế. Đến nay, có hơn 2,9 triệu người hưởng trợ cấp tiền mặt hằng tháng, chiếm gần 03% dân số, trong đó có hơn 1,65 triệu người cao tuổi, vượt mục tiêu đề ra. Chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời.

Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội được củng cố, nâng cấp. Cơ chế chính sách được đổi mới, tạo hành lang pháp lý cho khu vực ngoài công lập tham gia vào cung cấp dịch vụ. Các mô hình chỉnh hình phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng, các mô hình hỗ trợ các đối tượng đặc biệt (phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, bị mua bán, xâm hại) được Nhà nước và xã hội quan tâm, phát triển.

Dịch vụ xã hội cơ bản được cải thiện cả số lượng và chất lượng: Giáo dục nghề nghiệp đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 65% năm 2020. Các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo đều đạt mục tiêu đề ra; Hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, tập trung cho các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ trẻ dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt từ 96% đến 98%. Tỷ lệ dân số mắc bệnh lao giảm (giai đoạn 2012-2018 giảm từ 215 xuống còn 182 trên 100 nghìn dân), đạt mục tiêu đề ra; Hỗ trợ nhà ở cho người dân ổn định cuộc sống, đến hết năm 2018 nhà nước hỗ trợ nhà ở cho 620 nghìn hộ nghèo nông thôn; nguồn từ xã hội hóa đã hỗ trợ 323 nghìn căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn lực cho cung cấp nước sạch nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được ưu tiên đầu tư. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% năm 2012 lên 88% vào năm 2018, dự kiến đạt 90% năm 2020, đạt mục tiêu đề ra; Thông tin truyền thông cơ sở đã rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin của Nhân dân giữa các vùng miền, 100% các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh và truyền hình mặt đất từ năm 2017 và dự kiến có đài truyền thanh xã vào cuối năm 2020.

Xây dựng chính sách An sinh xã hội bao trùm và bền vững (Bài 02)Giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

TS.Bùi Sỹ Tuấn

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn