Vụ sập công trình tại Đồng Nai: Hậu quả nặng nề khi không đóng BHXH cho NLĐ

18/05/2020 01:51 PM


Trong vụ sập công trình xây dựng nhà máy của Công ty AV Healthcare (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) mới đây, đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, do hầu hết các nạn nhân không có HĐLĐ và không tham gia BHXH, nên họ không được hưởng các chế độ BHXH liên quan.

Dư luận hiện đang quan tâm đến vụ sập công trình xây dựng nhà máy của Công ty AV Healthcare (tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vào chiều 14/5. Đây là vụ TNLĐ nghiêm trọng, khiến cho 10 công nhân tử vong và 15 người bị thương.

Đơn vị SDLĐ sẽ phải bồi thường cho NLĐ với số tiền rất lớn

Theo điều tra của Công an tỉnh Đồng Nai, bước đầu xác định đơn vị thi công đã có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực xây dựng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chủ đầu tư công trình là Công ty AV HealCare (Hàn Quốc) thuê đất ở KCN Giang Điền và ký hợp đồng xây dựng với đơn vị thi công là Công ty TNHH Hà Hải Nga do ông Hà Huy Hải làm Giám đốc. Diện tích xây dựng của công trình 5.747m2 với tổng trị giá hợp đồng 11,5 tỷ đồng. Tham gia thi công công trình này còn có Công ty CP Dịch vụ công nghiệp Đồng Nai là đơn vị tư vấn giám sát và Công ty TNHH Laud JVC là đơn vị thiết kế.

Trước khi xảy ra vụ tai nạn, đơn vị thi công đã phân công khoảng 60 lao động đến thi công bức tường cao khoảng 8m, dài 100m để tô vữa tường. Trong khi các công nhân đang làm việc bình thường, thì bất ngờ bức tường nhà xưởng đổ sập, gây ra vụ tai nạn thương tâm. Ngay sau đó, các đơn vị cứu hộ và đơn vị liên quan phối hợp đưa những nạn nhân bị thương đi cấp cứu tại các cơ sở y tế. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ huy lực lượng Công an, Quân đội thực hiện tìm kiếm người vùi lấp.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Kim- Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Đồng Nai), lực lượng Công an đã tạm giữ hình sự ông Hà Huy Hải- Giám đốc Công ty Hà Hải Nga- chủ đơn vị thi công. Ngoài ra, còn tạm giữ 2 người khác của Công ty này là Nguyễn Quang Đoái (nhân viên đo đạc công trình) và Hà Huy Vĩnh Trường (nhân viên chấm công). Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, đơn vị thi công đã có dấu hiệu vi phạm xây dựng, không có HĐLĐ với công nhân.

Luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, theo Điều 142 Bộ luật Lao động 2012, TNLĐ được hiểu là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Do đó, từ việc xác định có TNLĐ xảy ra, cơ quan điều tra sẽ điều tra chủ thể chính chịu trách nhiệm cho vụ TNLĐ.

Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động 2012, trách nhiệm của người SDLĐ đối với NLĐ là phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với NLĐ tham gia BHYT; hoặc thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ không tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, người SDLĐ phải trả đủ tiền lương theo HĐLĐ cho NLĐ bị TNLĐ-BNN phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; đồng thời phải bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ-BNN. Ngoài ra, trong trường hợp NLĐ qua đời vì TNLĐ, thì người thân còn được thanh toán trợ cấp một lần hoặc hưởng chế độ tuất hằng tháng. Đối với NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, mà người SDLĐ không tham gia BHXH, thì người SDLĐ phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ TNLĐ-BNN theo quy định của Luật BHXH.

Đối với vụ việc xảy ra tại công trình của Công ty AV HealCare, Luật sư Trần Minh Trung (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, có thể việc bồi thường TNLĐ trong vụ này sẽ rất lớn. Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà đơn vị thi công không đăng ký tham gia, thì người SDLĐ sẽ phải bồi thường khoản tiền tương ứng với khoản tiền cơ quan BHXH chi trả (nếu NLĐ được tham gia BHXH).

Căn cứ Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014, thì NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Về những trường hợp bị TNLĐ như trên, cơ quan chức năng sẽ xác định người nào là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Về vấn đề trách nhiệm, nếu người SDLĐ không đóng BH TNLĐ-BNN cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thì ngoài việc phải bồi thường theo quy định tại Điều 38 của Luật ATVSLĐ, còn phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ BH TNLĐ-BNN. Đối với trường hợp NLĐ không tham gia BHYT, thì người SDLĐ phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với NLĐ.

Luật sư Trần Minh Trung cho biết thêm, mức độ bồi thường hay trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ sẽ phụ thuộc vào yếu tố lỗi và mức độ suy giảm khả năng lao động. Người SDLĐ sẽ phải bồi thường cho NLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra. Còn nếu TNLĐ do lỗi của chính NLĐ gây ra, thì người SDLĐ trợ cấp cho NLĐ bằng ít nhất 40% so với mức bồi thường.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn