Đề xuất về tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam (Bài 02)

15/05/2020 02:01 PM


Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu theo Điều 169 của Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó, kể từ năm 2021, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường được thực hiện theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam, cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035 (sau đây gọi tắt là quy định mới). Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định của pháp luật lao động về tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu và quy định pháp luật khác có liên quan.

(Ảnh minh họa)

Để có được một cách tính điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khoa học, hợp lý, đúng tinh thần của Bộ luật Lao động (sửa đổi), theo chúng tôi, cần thống nhất một số quan điểm đã được coi là thông lệ chung được thực hiện trong nhiều năm nay như sau:

- Những người cùng tuổi (cùng sinh trong năm Dương lịch, kể cả từ ngày đầu năm 01/01 cho đến ngày cuối năm 31/12) sẽ được nghỉ hưu ở cùng tuổi như nhau – cùng tuổi nghỉ hưu (chỉ có khác biệt giữa nam và nữ). Đương nhiên, nếu có điều chỉnh thì chỉ những người khác tuổi, kể cả chênh nhau dù chỉ một ngày nhưng khác năm (ví dụ, người sinh ngày 31/12 năm trước so với người sinh ngày 01/01 năm sau liền kề) sẽ nghỉ hưu ở tuổi khác nhau. Như vậy những người cùng tuổi nếu được điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thì cũng sẽ được điều chỉnh tăng như nhau.

- Tháng bắt đầu nghỉ hưu (tính từ ngày 01 đầu tháng) là tháng liền kề tiếp sau tháng sinh nhật sau khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Và cũng cần thống nhất quan điểm rằng trong lần điều chỉnh tuổi nghỉ hưu này, những người lao động có liên quan chỉ được điều chỉnh tuổi nghỉ hưu 01 lần.

Nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất xuyên suốt trong quá trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và cách thức thực hiện tuổi nghỉ hưu từ trước tới nay, trên cơ sở những phân tích và những quan điểm trên, đồng thời, sau khi tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp phát triển về chính sách BHXH hưu trí và điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, nhất là những ý kiến của các chuyên gia từ Cơ quan Bảo hiểm Hưu trí Liên bang Đức, chúng tôi xin đề xuất về lộ trình và thời điểm nghỉ hưu khi tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam như sau:

Bảng 02. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu đối với lao động nam, mỗi năm tăng thêm 03 tháng kể từ năm 2021 cho đến đủ tuổi 62

Theo Bảng 02, những lao động nam đầu tiên thực hiện quy định mới về tuổi nghỉ hưu sẽ là những người sinh vào tháng 01/1961 và nghỉ hưu vào 01/05/2021. Tiếp theo, những lao động nam sinh từ tháng 02 đến tháng 12/1961 sẽ nghỉ hưu lần lượt theo thứ tự tháng sinh từ 01/6/2021 đến 01/4/2022. Cũng theo Bảng 02, lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 62 sẽ là người sinh vào tháng 01/1968 và sẽ nghỉ hưu vào tháng 01/02/2030.

Bảng 03. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu đối với lao động nữ, mỗi năm tăng thêm 04 tháng kể từ năm 2021 cho đến đủ tuổi 60

Bảng 03 cho thấy, lao động nữ sinh tháng 01/1966 là những người đầu tiên thực hiện tuổi nghỉ hưu theo quy định mới (tăng thêm 04 tháng) và nghỉ hưu từ 01/06/2021. Tương tự, lao động nữ sinh từ tháng 02 đến tháng 12/1966 sẽ nghỉ hưu lần lượt theo thứ tự tháng sinh từ 01/07/2021 đến 01/05/2022. Bảng 03 cũng cho thấy, lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 60 là những người sinh tháng 01/1980 và nghỉ hưu vào 01/02/2040.

Như vậy, chúng ta có thể xác định một cách chi tiết, cụ thể hơn về thời điểm nghỉ hưu theo tháng và năm sinh tương ứng của từng người để giúp cho công tác quản lý và nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người tham gia BHXH một cách thuận lợi hơn. Hy vọng bảng xác định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu theo năm sinh, tháng sinh, nam và nữ trên sẽ có ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp, người lao động và đặc biệt đối với các các cơ quản lý và tổ chức thực hiện chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở nước ta./.

Bài 01: Đề xuất về tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra

                      TS.Phạm Đình Thành

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH

Trương Mạnh Tú

Vụ Kiểm toán nội bộ

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn