"Bệ đỡ" an sinh

12/05/2020 03:02 PM


Kết quả chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2019 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp các đối tác xây dựng mới được công bố cho thấy, đói nghèo là vấn đề khiến nhiều người lo ngại nhất trong năm qua.

Ðáng chú ý, việc phân tích nhân tố tác động cũng cho thấy, có sự tương quan giữa lo ngại về nguy cơ này và điều kiện tiếp cận bảo hiểm xã hội (BHXH) của người tham gia khảo sát. Ðây cũng là tiêu chí quan trọng khi đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong tình hình đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế tất cả các quốc gia.

"BHXH có vai trò bảo vệ cho người lao động khi họ bị mất việc làm. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm tăng số người mất việc làm, sụt giảm thu nhập. Ðó là lý do có tới 27% số người không có BHXH, tham gia khảo sát cho rằng, đói nghèo là mối lo ngại hàng đầu, trong khi chỉ có 18% số người thuộc nhóm người có BHXH có chung nhận định này", TS P.Xu-lơ - thành viên nhóm nghiên cứu phân tích. Theo chuyên gia này, việc không có BHXH, nhất là trong hoàn cảnh xảy ra thiên tai hoặc đại dịch nào đó, đã khiến người dân càng lo ngại về đói nghèo và hy vọng vào những giải pháp của Nhà nước.

Không phải đến thời điểm này và cũng không phải câu chuyện riêng ở Việt Nam, hàng trăm năm qua, vai trò, vị trí của hệ thống an sinh xã hội với trụ cột là BHXH, bảo hiểm y tế đã được khẳng định ở khắp thế giới. Hệ thống an sinh xã hội đã giúp nhiều quốc gia vượt qua nhiều "cú sốc", như thời kỳ đại khủng hoảng những năm 1930 và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008. Riêng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, các hệ thống an sinh xã hội đã cung cấp sự bảo vệ cho những cá nhân bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia trên thế giới đều có chung nhận định rằng, đây không chỉ là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mà còn là cuộc khủng hoảng ảnh hưởng tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội và cuộc sống của con người, với phạm vi và mức độ chưa từng có. Trong đó, nguy cơ đối với người nghèo là hết sức nghiêm trọng; nhất là, khi trên thế giới vẫn còn khoảng 25% dân số sống trong nghèo đói đa chiều, hoặc dễ bị tổn thương và hơn 40% dân số không có bất kỳ sự bảo vệ xã hội nào.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được công bố cuối tháng 4-2020, đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến khả năng mưu sinh của khoảng 1,6 tỷ lao động phi chính thức (gần một nửa lực lượng lao động toàn cầu). Nếu không có các nguồn thu nhập khác, những lao động này và gia đình họ sẽ không còn cách nào để duy trì cuộc sống. Không chỉ gây khủng hoảng việc làm, ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống của người lao động, đại dịch còn khoét sâu lỗ hổng trong các hệ thống an sinh xã hội trên toàn thế giới, nhất là đối với một số nhóm lao động vốn nằm ngoài hệ thống an sinh như lao động bán thời gian, lao động tạm thời và lao động tự do trong nền kinh tế phi chính thức.

Bởi vậy, ILO khuyến cáo rằng, chính phủ cùng với các đối tác xã hội và các bên liên quan cần phải coi cuộc khủng hoảng này là lời cảnh tỉnh để tăng cường các hệ thống an sinh xã hội. Phải thật sự coi an sinh xã hội là một khoản đầu tư thường xuyên có tính lâu dài, bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống này cũng đóng vai trò như một "bộ đệm" để ổn định xã hội và nền kinh tế, bảo đảm sự an tâm cho người dân.

Theo https://nhandan.com.vn