Người dân không có BHXH lo ngại nguy cơ đói nghèo
29/04/2020 09:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Kết quả khảo sát PAPI năm 2019 chỉ ra rằng, việc có BHXH hay không là một nhân tố dẫn tới quan ngại về đói nghèo của những người tham gia khảo sát. Cải thiện lớn nhất ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2019 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (VFF-CRT) và Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) tổ chức công bố trực tuyến ngày 28/4.
Chỉ số PAPI là thước đo định lượng thường niên về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Trong 10 năm qua, PAPI cung cấp dữ liệu và dẫn chứng phản ảnh hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong 6 lĩnh vực nội dung chính: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công; cung ứng dịch vụ công. Từ năm 2018, chỉ số PAPI đo lường thêm 2 chỉ số nội dung mới: Quản trị môi trường và quản trị điện tử. PAPI 2019 khảo sát 14.138 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành.
Trong Bảng chỉ số PAPI 2019, có 3 địa phương (Bến Tre, Đồng Tháp, Quảng Ninh) đạt mức điểm tổng hợp cao nhất, đều có mức điểm trên 46,6 điểm. Trong đó, Bến Tre tiếp tục có điểm cao nhất là 46,74 điểm, với 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số Chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp.
Nhóm có điểm số trung bình cao cũng gồm 16 tỉnh, dải điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm, trong đó TP.HCM nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số. Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, dải điểm từ 42,38 đến 43,70, trong đó Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này. Trong 16 tỉnh còn lại nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất, có Hà Nội với mức điểm 42,53 điểm, Hải Phòng 41,54 điểm và Hưng Yên 41,25 điểm.
Những phát hiện chính khảo sát năm 2019 cho thấy sự cải thiện trong dài hạn và ngắn hạn của hầu hết các lĩnh vực quản trị và hành chính công. 5/6 chỉ số lĩnh vực nội dung gốc của chỉ số PAPI có xu thế biến đổi theo hướng tích cực trong 5 năm qua. Mức biến chuyển rõ rệt nhất quan sát được ở chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định”. Đây là sự ghi nhận kết quả của nhiều nỗ lực đổi mới đã được nhiều báo cáo đề cập, trong đó có nỗ lực giải quyết các vụ việc tham nhũng lớn và việc ban hành, thực hiện Luật Tiếp cận thông tin 2016 và Luật Phòng chống tham nhũng 2018.
Theo khảo sát, tỷ lệ người dân cho rằng, tham nhũng có xu hướng giảm cao hơn so với tỷ lệ năm 2018 khoảng 5%. Tuy nhiên, mặc dù có một số cải thiện, khoảng 20% đến 40% người dân tiếp tục cho rằng, tham nhũng vẫn tồn tại trong nhiều hoạt động của khu vực công. Trải nghiệm của người dân với việc phải đưa “lót tay” khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2019 hầu như không khác so với một vài năm trước...
Lĩnh vực ít cải thiện nhất là “TTHC công”. Điều này rất đáng lưu tâm, bởi trong khảo sát “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI” do VCCI thực hiện trước đó, thì góc nhìn từ các DN đã đánh giá rằng, CCHC có sự cải thiện đáng kể. Điều đó cho thấy, những nỗ lực đơn giản hóa TTHC có tác động đến DN nhiều hơn so với góc độ của từng công dân. Phân tích sâu kết quả khảo sát PAPI cho thấy, nguyên nhân một phần là do sự chưa đồng đều trong việc triển khai chính quyền điện tử nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho người dân...
Quan ngại đói nghèo vì không có BHXH
Đặc biệt, trong đánh giá tổng quan hiệu quả quản trị và hành chính công cấp quốc gia năm 2019, nghiên cứu PAPI cũng đo lường đánh giá của người dân về những vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm. Theo kết quả khảo sát, trong 5 năm qua, đói nghèo luôn là mối quan ngại lớn nhất của người dân Việt Nam và năm 2019 cũng không là ngoại lệ. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao người dân vẫn lo ngại về đói nghèo; trong khi các khảo sát cũng chỉ ra rằng, đa số người dân cho biết điều kiện kinh tế của gia đình họ đã được cải thiện?
Theo nhóm chuyên gia PAPI, giải thích có sức thuyết phục nhất trong khảo sát năm 2019 là khi so sánh giữa nhóm người có BHXH và không có BHXH. Đây là tiêu chí quan trọng khi đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong tình hình đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế tất cả các quốc gia. "BHXH có vai trò bảo vệ cho NLĐ khi họ bị mất việc làm. Trong khi đó, diễn tiến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến tỷ lệ người mất việc làm nhiều hơn. Đó là lý do có tới 27% người không có BHXH tham gia khảo sát cho rằng đói nghèo là quan ngại hàng đầu, trong khi chỉ có 18% người thuộc nhóm người có BHXH có chung nhận định này”- các chuyên gia phân tích.
Theo kết quả khảo sát, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp có rất ít điều kiện tham gia vào bất kỳ loại BHXH nào. Đây cũng là lý do quan trọng khiến những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp lo ngại họ bị rơi vào nghèo đói trong tương lai. Những người có công việc bấp bênh trong khu vực phi chính thức có xu hướng quan ngại về nghèo đói hơn, do họ ít được hưởng các phúc lợi khác ngoài tiền công lao động. Việc không có BHXH, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam xảy ra thiên tai, hoặc đại dịch nào đó, những quan ngại tương lai mình sẽ ra sao khi mất việc làm đã khiến người dân càng lo ngại về đói nghèo và hy vọng Nhà nước giải quyết vấn đề này nhất.
“Phát hiện này cho thấy, mối quan ngại về đói nghèo không chỉ bị tác động bởi mức thu nhập, mà còn bởi cảm giác an tâm khi có BHXH cho mai này. Rất có thể những người không có lương hưu từ BHXH quan ngại hơn về mức thu nhập và tính ổn định của thu nhập hiện có”- báo cáo nhận định.
Trong khi đó, lao động và việc làm tiếp tục nằm trong nhóm 4 vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới. Những quan ngại này có khả năng gia tăng trong những tháng tới, khi có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, người dân cũng ngày càng quan ngại hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường và an ninh, quốc phòng...
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Những điều cần biết về BHYT hộ gia đình
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...
Truyền thông Luật BHXH số 41/2024/QH15 cho đội ngũ báo cáo ...
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông và chăm ...