Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là phòng dịch khi số ca bệnh giảm

13/04/2020 06:14 AM


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Tính đến sáng 11/4, Việt Nam ghi nhận 257 trường hợp mắc COVID-1, trong đó, có 159 người từ nước ngoài (chiếm 61,9%); 98 người lây nhiễm thứ phát, không tăng ca mắc mới so với ngày 10/4. Tổng số người bệnh được điều trị khỏi bệnh là 144 trường hợp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng, nên người dân, chính quyền các địa phương vẫn phải luôn cảnh giác, không được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh dù số ca bệnh mới được phát hiện đã giảm.

Triệt để cách ly, khoanh vùng, xử lý ổ dịch

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng ở giai đoạn đầu, chủ yếu là các ca bệnh nhập cảnh, người nước ngoài mắc bệnh vào Việt Nam.

Thông qua các ca bệnh nhập cảnh đó, cơ quan chức năng phát hiện các ca bệnh lây lan do tiếp xúc với ca bệnh nhập cảnh, hoặc ngược lại thông qua các ca bệnh tiếp xúc gần như người nhà, lái xe, sinh hoạt tập thể như quán bar nên tìm được nguồn lây dễ dàng.

Việt Nam đã làm tốt giai đoạn đầu nên phải sau một thời gian dài mới có sự lây lan trong cộng đồng. Nhiều nước chỉ trong một vài tuần con số đã lên tới hàng trăm, hàng ngàn người mắc và con số tử vong là rất lớn.

Còn ở giai đoạn dịch lây lan sang cộng đồng cần phải có biện pháp ứng phó phù hợp, vì chúng ta không thể biết rõ ai là người có khả năng lây nhiễm, ai mang mầm bệnh, vào thời điểm này có thể con số người mang mầm bệnh trong cộng đồng chưa nhiều.

Ở giai đoạn dịch lây lan cộng đồng, việc tìm nguồn bệnh ban đầu là rất khó khăn và tốn kém.

Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu khuyến cáo, đến giai đoạn này, phải tập trung phát hiện những ca bệnh dương tính trong cộng đồng, xác định đó là một ổ dịch.

Từ đó, các cơ quan chức năng tập trung phát hiện những ca tiếp xúc, tiếp xúc gần, ca có quan hệ liên quan để tìm người có khả năng mắc bệnh, áp dụng tất cả các biện pháp khoanh vùng, dập dịch kể cả khoanh vùng, phong tỏa, cách ly một cộng đồng cũng phải làm để ổ dịch không bùng phát, giải quyết được “đốm cháy” để nó không thành “đống lửa lớn...”

Ý thức của người dân là quan trọng

Để phát hiện sớm các ca bệnh mới trong cộng đồng, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, các địa phương đang chỉ đạo nhiều biện pháp cụ thể nhằm phát hiện các ca nghi ngờ, có sốt, ho, khó thở, triệu chứng mệt mỏi bất thường ở những người đang khỏe mạnh, lấy mẫu xét nghiệm.

Các bộ phận chức năng cũng tiến hành khai thác các yếu tố dịch tễ, chẩn đoán dịch bệnh trong cộng đồng thông qua việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Thêm vào đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng cần chú ý đến các đối tượng đến phòng khám của bệnh viện công, tư, từ đó xét nghiệm, chẩn đoán, phát hiện ổ dịch rồi tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch.

Quan trọng hơn, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu chính là ý thức người dân. Người dân phải tiến hành khai báo y tế, khi đến cơ sở khám chữa bệnh mà thấy mình có các dấu hiệu mắc COVID-19 phải thông tin cho y tế cơ sở để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Cũng có ý kiến cho rằng phát hiện ca bệnh thông qua hiệu thuốc, đây cũng là một ý kiến hay vì nhiều người dân không khai báo y tế, không đến cơ sở khám, chữa bệnh nhưng khi có dấu hiệu như cảm cúm, sốt, ho hay đến hiệu thuốc mua thuốc về uống...

Lúc này, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, không chỉ để giúp cho cộng đồng mà chính là phát hiện bệnh cho chính mình, sớm có hướng điều trị nếu mắc bệnh.

Việc người dân tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch lây lan cộng đồng là hết sức quan trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu chia sẻ: Giãn cách xã hội là biện pháp làm cho người lành và người bệnh không tiếp xúc với nhau nên sẽ không có sự lây lan mầm bệnh từ người bệnh sang người lành.

Trong thời  gian giãn cách xã hội, người mang mầm bệnh nếu có triệu chứng thì đến các cơ sở y tế điều trị, tức là có thể khoanh vùng được ổ dịch để cách ly, dập dịch kịp thời.

Cũng có trường hợp người bệnh không có triệu chứng ngay trong thời gian giãn cách xã hội tối thiểu 14 ngày cũng có thể tự khỏi bệnh, không lây lan ra người lành. Như vậy việc giãn cách xã hội là việc làm cần thiết, hiệu quả cao để người bệnh không lây lan dịch nguy hiểm sang cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu khẳng định: Giãn cách xã hội là việc làm hiệu quả cao trong phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng nếu làm sớm, quyết liệt, còn nếu làm muộn thì hậu quả khôn lường.

Việt Nam đã thực hiện việc giãn cách xã hội kịp thời, nhờ đó giúp kéo dài dịch bệnh từ giai đoạn nhập cảnh sang giai đoạn lây lan sang cộng đồng.

Giãn cách xã hội 14 ngày là thời gian tối thiểu cần thiết để hạn chế lây lan mầm bệnh nên người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt, các cấp chính quyền ở mỗi địa phương cũng không nên thấy số ca mắc COVID-19 giảm mà chủ quan, lơi lỏng trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.

Theo TTXVN/Vietnam+