Xây dựng Chính phủ điện tử thì yếu tố con người, thể chế là đầu tiên

14/02/2020 09:03 AM


Sáng 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành và địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao kết quả ban đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Theo đó, xếp hạng mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho thấy, Việt Nam đứng thứ 96/180, tăng 21 bậc so với năm ngoái (đứng vị trí 117) về việc này. Để đạt kết quả trên, theo Thủ tướng, ngoài việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, thì Chính phủ điện tử còn có những đóng góp rất quan trọng, bởi nếu “tiếp tục làm thủ công, tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục và giải quyết thủ tục thì có thể xảy ra tham nhũng vặt”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, chúng ta đã rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và DN. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi (đạt 10,7%); 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ BHYT cấp huyện. Việc tuyên bố các DN làm chủ hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng là bước tiến rất quan trọng trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, hiện nay Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng Chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. “Nguyên nhân nào chúng ta xếp hạng chưa cao?”- Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng, từ các ý kiến phát biểu, có thể thấy một số nguyên nhân như: Cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ, là khâu yếu, thấp điểm; một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ và quyết tâm; thậm chí nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”.

Về định hướng nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng nêu rõ, sẽ tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu tại Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Bên cạnh đó, phải ban hành được các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử, về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; đồng thời chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ…

Thủ tướng cũng nêu lên 3 mục tiêu cần phấn đấu, đó là: 100% bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, Thủ tướng giao Bộ TT-TT phối hợp với Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban TVQH trong quý I/2020. Cùng với đó, các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành thì sẽ do Bộ TT-TT chủ trì quản lý; tuyệt đối tránh để xảy ra một việc mà hai cơ quan cùng điều phối về Chính phủ điện tử.

Đáng chú ý, theo Thủ tướng, xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ điện tử phải đi liền với CCHC, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí. Nhân đó, Thủ tướng kêu gọi các DN công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính phủ điện tử để đáp ứng xu thế hội nhập thế giới hiện nay.

 

Theo http://baobaohiemxahoi.vn