Chuyện người làm Đại lý thu BHXH, BHYT

24/09/2018 08:27 AM


Đến thôn Đồng Mỹ, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa hỏi tên Chị thì người dân nơi đây gọi vui với biệt danh “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Chị chính là Hồ Thị Kỳ Sen, nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của xã Hòa Quang Bắc.

Tâm sự về biệt danh trên, chị Sen tủm tỉm cười và cho biết vì công việc mình đang làm nên mới có cái biệt danh như vậy. Chẳng là Chị đang giữ chức Chi hội trưởng Hội LHPN thôn Đồng Mỹ và phụ trách luôn phần việc Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của thôn. Bởi thế nên suốt ngày từ sáng đến tối mịt chẳng khi nào thấy mặt mũi Chị ở nhà mà lúc đó thì hết nhà văn hóa thôn, UBND xã, ở nhà này, nhà kia,... Chị đang loay hoay nói nói, cười cười, vận động, thuyết phục bà con, chị em hội viên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình hay làm các công tác của phụ nữ.



Chị Sen đang vận động chị em phụ nữ tham gia BHYT hộ gia đình (người đầu tiên bên trái)

Gắn bó với ngành BHXH từ khi mới bắt đầu triển khai mô hình Đại lý thu BHXH, BHYT, chị Sen là một trong những nhân viên Đại lý thu kỳ cựu và lâu năm nhất của ngành BHXH tỉnh nên cũng đã nếm trải hết bao nỗi nhọc nhằn lẫn sướng vui mà công việc này mang lại. Chị chia sẻ: Cơ duyên tôi đến với công việc làm Đại lý thu BHXH, BHYT cũng thật tình cờ. Ngày ấy, tôi là Chi hội trưởng phụ nữ thôn nên được chị em và UBND xã tin tưởng giới thiệu và thế là tôi mạnh dạn đăng ký tham gia và xem đây là “cái nghề” cho đến nay đã ngót 15 năm.

Chia sẻ về những khó khăn, vất vả của “nghề” Đại lý thu, chị Sen bộc bạch: “Ban đầu, khi chính sách BHXH tự nguyện, BHYT mới được triển khai, đặc biệt lúc bấy giờ là chính sách BHYT tự nguyện. Lúc đó, người dân chưa nắm rõ chính sách, thậm chí chưa hình dung ra BHYT là như thế nào nên việc vận động cực kỳ khó khăn. Có khi ròng rã cả tháng, thậm chí cả năm đi vận động, tuyên truyền mà đến cuối cùng chỉ vỏn vẹn vài ba người tham gia, mà cũng chỉ là những người bệnh hay phụ nữ mang thai. Còn nữa, nhiều lúc có thay đổi về mức đóng, sai sót thông tin trên thẻ BHYT hay khi người dân gặp vấn đề lúc khám chữa bệnh thì liền sau đó họ đến tận nhà “bắt đền”, thậm chí nhiều người nóng tính còn “mắng xối xả”, nhưng rồi mình từ từ giải thích, chỉ cho họ hiểu được vấn đề”.

Và còn nhiều nữa những câu chuyện dở khóc, dở cười của việc làm đại lý mà gần 15 năm trong nghề chị Hồ Thị Kỳ Sen đã trải qua. Tuy nhiên, đổi lại những vất vả, khó khăn ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc khi chứng kiến những người hàng xóm, người thân của mình được chăm sóc sức khỏe, được trang trải chi phí khi ốm đau phải nằm viện điều trị tốn kém phần nào là động lực, là niềm vui để chị tiếp tục gắn bó với “nghề”.

Khi đề cập đến việc tiếp tục gắn bó với công việc này trong tương lai, người phụ nữ tuổi ngoài 50 này bộc bạch: “Chừng nào còn sức, còn đi được, còn nói được thì chị còn làm đại lý thu”. Câu nói của chị như lời động viên tiếp thêm động lực cho những ai đang hàng ngày thầm lặng với công việc thu BHXH, BHYT.

Cứ thế mỗi ngày trôi qua, trên khắp các con đường nhỏ liên thôn, người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng không biết mỏi mệt ấy cứ mãi len lỏi đến gõ cửa từng nhà, gặp từng mặt người để vận động, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Việc làm đầy ý nghĩa ấy đã và đang góp thêm hương sắc cho đời và cho sự nghiệp an sinh xã hội.

 

Trần Đoàn