XÉ LƯƠNG ĐỂ LÁCH LUẬT

08/06/2017 10:14 AM


Làm ngơ cho doanh nghiệp chia nhỏ lương thành nhiều khoản để né đóng BHXH khiến không ít người lao động chuốc thiệt hại về sau
Theo quy định của Luật BHXH, kể từ ngày 1-1-2016, đối với người lao động (NLĐ) thực hiện theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH căn cứ trên mức lương và phụ cấp lương. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ bao gồm: lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Để đối phó với quy định này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tìm cách "xé nhỏ" lương của NLĐ ra thành nhiều khoản để né việc tăng chi phí đóng BHXH.

Trả một đằng, ghi một nẻo
Điển hình cho việc chia nhỏ tiền lương của NLĐ là Công ty A.C (quận Tân Bình, TP HCM). Anh Nguyễn Khắc Hạnh, nhân viên lập trình của công ty, cho biết tháng 11-2015, khi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 1 năm, mức lương chính của anh là 20 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2016, để giảm chi phí đóng BHXH, công ty đã thanh lý hợp đồng với tất cả nhân viên và ký lại hợp đồng mới.



Một cuộc hòa giải tranh chấp về tiền lương tại một doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP HCM

Theo HĐLĐ mới, tổng thu nhập mỗi tháng của anh Hạnh vẫn là 20 triệu đồng nhưng mức lương chính chỉ còn 5,5 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại được phụ lục HĐLĐ (ký cùng thời điểm) quy vào các khoản phụ cấp: hiệu quả công việc (500.000 đồng), phụ cấp trách nhiệm (500.000 đồng) và thưởng hiệu quả công việc (13,5 triệu đồng).

Tiếp đó, kể từ ngày 1-10-2016, khi ký HĐLĐ xác định thời hạn 2 năm, tổng thu nhập của anh được nâng lên là 28,3 triệu đồng/tháng, song mức lương chính ghi trong HĐLĐ cũng chỉ 5,5 triệu đồng/tháng; các khoản phụ cấp và tiền thưởng chỉ ghi chung chung "theo thỏa thuận" hay "tùy theo tình hình của công ty". Cũng trong ngày này, công ty ký tiếp phụ lục HĐLĐ để "bổ sung các khoản phụ cấp và thưởng NLĐ được hưởng".

Theo đó, ngoài lương chính, anh Hạnh được nhận thêm các khoản: phụ cấp hiệu quả công việc (500.000 đồng/tháng), phụ cấp trách nhiệm (500.000 đồng/tháng), thưởng hiệu quả công việc (16,5 triệu đồng/tháng) và thưởng hiệu quả công việc KRD (5,3 triệu đồng/tháng).

Trường hợp của Công ty A.C không phải là cá biệt. Anh Trần Nhật Thành, Phó Phòng Kinh doanh Công ty M.K (quận 3, TP HCM), cho biết anh làm việc cho công ty từ năm 2009, mức lương hiện hưởng là 12 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, mức lương dùng làm căn cứ đóng BHXH ghi trong HĐLĐ chỉ là 4,1 triệu đồng/tháng. Khoản tiền còn lại bị công ty chia nhỏ thành nhiều mục như: lương khuyến khích, thưởng thi đua, phụ cấp trách nhiệm - chức vụ, giao dịch, ăn trưa…

Nhắm mắt chịu thiệt

Tại buổi đối thoại với DN về các chính sách lao động do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP HCM tổ chức mới đây, khi nói về thực trạng một số lao động muốn nghỉ việc trước thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu để hưởng BHXH một lần do mức lương hưu thấp và thời gian đóng kéo dài, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, chia sẻ: Nguyên tắc của BHXH là có đóng - có hưởng. Nếu DN đóng BHXH đúng theo mức lương thực tế trả cho NLĐ thì mức hưởng chế độ cũng cao tương ứng.

Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một thực tế là khi xây dựng thang, bảng lương, các DN đã tách lương của NLĐ thành nhiều bậc, nhiều khoản gồm mức lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bổ sung khác song khi đóng BHXH thì lại chỉ căn cứ trên mức lương cơ bản để giảm chi phí, dẫn đến mức hưởng của NLĐ bị thấp đi.

"Chính vì vậy, để tránh thiệt thòi quyền lợi, NLĐ phải nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình, tránh thiệt hại về sau" - bà Thu khuyến cáo.

Việc nhắm mắt làm ngơ để DN tùy tiện xé nhỏ tiền lương còn khiến NLĐ gánh chịu nhiều thiệt hại khác khi xảy ra tranh chấp. Giả sử như các DN lấy lý do thu hẹp sản xuất, cho NLĐ nghỉ việc thì họ chỉ nhận được trợ cấp thất nghiệp trên mức lương cơ bản đóng BHXH chứ không phải lương thực tế.

Hoặc như trường hợp anh Thành ở Công ty M.K, trong suốt 4 tháng nghỉ chờ công ty bố trí công việc mới, anh chỉ được trả lương 4,1 triệu đồng/ tháng. "Thực ra, khi công ty đề nghị ký lại HĐLĐ và hạ mức lương đóng BHXH xuống, tôi cũng định có ý kiến nhưng vì thấy tất cả nhân viên đều đồng ý, hơn nữa tổng thu nhập hằng tháng cũng không thay đổi nên tôi im lặng. Giá như lúc đó tôi chịu nói lên ý kiến của mình thì có lẽ tôi không bị thiệt đủ đường như bây giờ " - anh Hạnh nuối tiếc.

 

Nguồn: Báo Dân trí