BHYT- Sự sẻ chia nhân văn
06/07/2023 04:24 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hơn 30 năm qua, chính sách BHYT đã và đang mang lại giá trị thiết thực cho hàng trăm triệu lượt người dân- khi được quỹ BHYT chi trả hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Những kết quả đạt được cũng ngày càng chứng minh rõ sự sẻ chia nhân văn mà chính sách này mang lại.
Luôn đồng hành cùng người bệnh
Trong danh sách bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả chi phí cao năm 2022, có tới 4 bệnh nhân được hưởng mức từ 3,1 tỷ đến 4,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, có một bệnh nhi sinh năm 2018 (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị rối loạn do chuyển hóa Carbohydrat, được quỹ BHYT chi trả 4,1 tỷ đồng. Trong số 3 trường hợp còn lại, một bệnh nhi ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bị rối loạn chuyển hóa Tyrosine và một bệnh nhi ở TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) bị rối loạn chuyển hoá Glycogen typ 2- bệnh Pompe cùng được quỹ BHYT chi trả 3,5 tỷ đồng; một bệnh nhi ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) được chi trả gần 3,1 tỷ đồng.
BHYT luôn đồng hành và chia sẻ với người bệnh
Qua tiếp xúc với người thân của một bệnh nhi, chúng tôi thực sự ái ngại với gia cảnh khó khăn của em. “Ai cũng thế, chỉ muốn cho đi, chứ không muốn nhận lại. Nhưng cuộc sống luôn đùa với số phận mỗi con người”- người nhà bệnh nhi ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) trải lòng, khi nói về con số 4,1 tỷ đồng được quỹ BHYT chi trả.
Không riêng gì gia đình này, những trường hợp bệnh nhân “tiền tỷ” hầu hết đều rất khó khăn; mắc bệnh chủ yếu do yếu tố di truyền và phải điều trị dài ngày bằng các thuốc và dịch vụ kỹ thuật đắt đỏ. Cũng bởi vậy, hơn ai hết, người thân của các em là những người thấu hiểu rõ giá trị của tấm thẻ BHYT.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2022, toàn quốc có 64 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB từ 1 tỷ đồng/bệnh nhân trở lên. Trong quý I/2023, có 99 trường hợp được quỹ BHYT chi trả từ trên 500 triệu đồng/bệnh nhân trở lên, trong đó có 8 trường hợp được chi trả từ trên 1 tỷ đồng/bệnh nhân trở lên. Trực tiếp chứng kiến người nhà được quỹ BHYT chi trả số tiền lớn, nhiều người mới thấm thía giá trị của tấm thẻ BHYT và mong BHYT luôn bao bọc, đồng hành cùng người bệnh.
Nhận thức về BHYT ngày càng sâu sắc
Những chia sẻ hay những con số về những bệnh nhân “tiền tỷ” chỉ là một “lát cắt” trong thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam. Suốt hơn 30 năm qua, chính sách này đã và đang lan tỏa theo cách thiết thực nhất. Chỉ tính năm 2022, cả nước có trên 151,38 triệu lượt KCB BHYT (tăng trên 30 triệu lượt so với năm 2021), với chi phí lên tới 106.732 tỷ đồng (tăng gần 20.000 tỷ đồng so với năm 2021).
Với những bệnh nhân chạy thận, tấm thẻ BHYT luôn túc trực bên người
Còn riêng trong quý I/2023, cả nước có 40,3 triệu lượt KCB BHYT, với chi phí 26,84 nghìn tỷ đồng- đều tăng so với quý I/2022. Tính chung từ năm 2003 đến nay, cả nước có khoảng 2.368 triệu lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán (bình quân mỗi năm có khoảng 120 triệu lượt KCB BHYT)…
Cũng hiếm quốc gia nào đạt tốc độ phát triển BHYT như Việt Nam. Từ năm 1992- năm đầu tiên triển khai chính sách BHYT đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam đã đạt trên 92% dân số với trên 91,04 triệu người tham gia. Thành quả này thể hiện nỗ lực rất lớn của những thế hệ cán bộ BHYT đầu tiên và toàn ngành BHXH Việt Nam hiện nay, với hành trình nhiều gian lao, vất vả.
“Thành công không chỉ dừng lại ở tỷ lệ bao phủ, quan trọng hơn- qua thực tiễn tổ chức thực hiện BHYT, chúng đã từng bước đổi mới tư duy, dần xóa bỏ bao cấp trong KCB và nhận thức một cách rõ ràng hơn về vị trí trụ cột của chính sách BHYT với an sinh xã hội của đất nước”- BS.Trần Khắc Lộng- nguyên Giám đốc BHYT Việt Nam từng chia sẻ.
Tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột chính
Phải làm sao để bao phủ BHYT đến 8% dân số còn lại là việc không dễ dàng với ngành BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là áp lực cân đối, bảo toàn quỹ BHYT hằng năm; hài hòa giữa quyền lợi KCB của người dân và nguồn lực của các cơ sở y tế... Đây là những vấn đề đã và đang đặt ra, đòi hỏi Luật BHYT phải tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn.
Trong quá trình đó, ngành BHXH Việt Nam một mặt tiếp tục tuyên truyền để lan tỏa, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT đến toàn dân theo đúng nghĩa; mặt khác tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả giám định, bảo đảm quyền lợi BHYT của người tham gia cũng như tăng cường kiểm soát chi phí và ngăn ngừa các hành vi trục lợi BHYT. Đơn cử, trong năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực tuyên truyền, vận động để tăng bù lại số 4,9 triệu người bị dừng tham gia do không còn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT, hoặc bị ảnh hưởng do gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam cũng nỗ lực, liên tục đổi mới, hiện đại hóa công tác giám định BHYT. Với việc liên thông tới khoảng 13.000 cơ sở KCB trên cả nước, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã và đang phát huy hiệu quả trong thực hiện các DVC liên thông, tạo thuận lợi cho người dân như cấp giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử…
Phần mềm giám định BHYT cũng được điều chỉnh, bổ sung các chức năng (hiện có 230 chức năng với hơn 300 quy tắc giám định); đồng thời được cập nhật mới các quy tắc giám định dữ liệu đề nghị thanh toán, các quy tắc kiểm tra danh mục, kiểm tra hợp đồng KCB, thông báo kết quả giám định, tích hợp chữ ký số trên các báo cáo nghiệp vụ; liên thông với phần mềm quản lý thu-sổ thẻ (TST) để cập nhật, theo dõi đối tượng đăng ký KCB ban đầu tại các tuyến, liên thông dữ liệu với phần mềm kế toán để quản lý tạm ứng, thanh toán chi KCB BHYT tại từng cơ sở KCB…
Dù vậy, cần phải nhấn mạnh rằng, cùng với BHXH, chính sách BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Chính sách BHYT hiện liên quan trực tiếp đến hơn 91 triệu người dân- tương đương 92% dân số, nên trách nhiệm thực hiện BHYT toàn dân rất lớn, đòi hỏi sự chung tay thực hiện của toàn xã hội.
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT đã nhấn mạnh “thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, DN và của mỗi người dân”. Do đó, hơn bao giờ hết, toàn hệ thống chính trị-xã hội phải quyết liệt vào cuộc thực hiện thành công chính sách này, để BHYT “luôn bao bọc, đồng hành cùng người bệnh”- như mong mỏi của người dân và cũng là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước hướng tới.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...