BHXH Việt Nam: Quyết tâm vượt khó hoàn thành kế hoạch năm 2021
07/07/2021 07:10 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 6/7/2021, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh. Hội nghị kết nối 585 điểm cầu tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, cùng 7.800 cán bộ viên chức tham dự...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam và đại diện BHXH các địa phương cùng tham gia thảo luận, đánh giá những điểm nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021, đồng thời chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó chia sẻ những cách làm hay, giải pháp khắc phục khó khăn để toàn Ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021.
Nhiều “nguy cơ” thu hẹp đối tượng tham gia BHXH, BHYT
Đánh giá chung của BHXH Việt Nam cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021 là giai đoạn khó khăn đối với toàn Ngành, khi dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp và bùng phát đợt dịch thứ 4 (từ tháng 4/2021) đã tác động sâu sắc đến nhiều chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ.
Đáng lo ngại nhất là ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến công tác thu và phát triển đối tượng BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, toàn Ngành đạt 45,11% số thu so với kế hoạch Chính phủ giao. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 21.194 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5% so với số phải thu, có mức giảm nhẹ (0,3%) so với tỷ lệ nợ cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp tuy tăng hơn cùng kỳ 2020, nhưng đều giảm so với thời điểm cuối năm 2020. Chỉ riêng BHXH tự nguyện đã tăng 34.419 người so với cuối năm 2020 (tăng 3,02%). Theo đó, số người tham gia BHXH 16.173.780 (đạt 32,49% LLLĐ), trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15 triệu người (giảm trên 74,2 nghìn người so với cuối năm 2020); BHXH tự nguyện là trên 1,17 triệu người. Số người BH thất nghiệp là trên 13,2 triệu người (đạt 26,64% LLLĐ), giảm trên 69,8 nghìn người so với cuối năm 2020; Số người tham gia BHYT là trên 87.4 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 89,63% dân số), giảm trên 540 nghìn người.
Về nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Thu- Sổ, thẻ phân tích: Đợt dịch lần thứ 4 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã lây lan nhanh tại các khu công nghiệp lớn tại một số tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, hiện vẫn tồn tại vướng mắc về cơ chế, chính sách (việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền). Thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan từ chính cơ quan BHXH, ông Hào đánh giá: BHXH một số địa phương chưa quyết liệt, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam; chưa kịp thời tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; chưa kịp thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động của các đại lý thu các cấp.
Về một số khó khăn trong công tác thu, phát triển đối tượng trong thời gian tới, ông Hào cho biết: Bên cạnh tác động của dịch Covid-19 vẫn phức tạp và khó lường, một số chính sách mới có hiệu lực cũng sẽ khiến giảm số thu, khiến ngành BHXH Việt Nam khó đạt số thu theo kế hoạch đặc ra. Theo đó, Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sẽ khiến tỷ lệ tham gia BHYT giảm đi. Dự kiến, tổng số người được NSNN hỗ trợ đóng BHYT sẽ bị giảm đi là trên 4 triệu người, trong đó sau khi chuyển sang các nhóm đối tượng khác cũng được NSNN hỗ trợ (hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...), vẫn còn khoảng trên 2,4 triệu người sẽ cần được vận động thực hiện tham gia BHYT. “Nếu BHXH các địa phương không tích cực và có giải pháp tuyên truyền tốt, sẽ rất khó để vận động số đối tượng này tiếp tục tham gia BHYT” ông Hào nhận xét.
Thống kê cho thấy, từ nay đến cuối năm, ngành BHXH Việt Nam sẽ cần phải phát triển thêm hơn 1,52 triệu người tham gia BHXH, hơn 973 nghìn người tham gia BH thất nghiệp và trên 2,448 triệu người tham gia BHYT mới đạt chỉ tiêu đặt ra trong năm 2021.
Đặc biệt, Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 cũng sẽ tác động lớn đến quỹ BHYT, với quy định liên quan đến tạm dừng đóng BHXH, miễn đóng vào quỹ BHXH phí tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, để người SDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền đó cho người lao động phòng chống đại dịch Covid-19.
Đề xuất các giải pháp khắc phục thực trạng này, Ban Thu- Sổ, thẻ đề nghị BHXH các địa phương cần tập trung quyết liệt cho công tác phát triển đối tượng. Cần đổi mới công tác tuyên truyền vận động phù hợp với điều kiện dịch bệnh hiện nay, được biết Trung tâm Truyền thông cũng đang gấp rút hoàn thiện kịch bản tuyên truyền cho giai đoạn này. BHXH các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc rà soát, xác định các nhóm đối tượng chưa tham gia BHXH theo dữ liệu các DN kê khai với cơ quan thuế; với những địa phương đang có dịch, khó khăn làm việc trực tiếp với DN, có thể tạm thời thông báo đề nghị đơn vị SDLĐ tham gia BHXH cho các đối tượng còn thiếu, sẽ hậu kiểm khi địa phương trở lại tình trạng bình thường.
Nhận xét “nhiều địa phương đang bỏ trống nhiều nhóm dễ khai thác như nhóm trẻ em dưới 6 tuổi”, trưởng Ban Thu- Sổ, thẻ đề nghị cần khẩn trương rà soát tất cả các nhóm, đặc biệt là nhóm tham gia BHYT; bám sát và phối hợp tốt với Sở Tài chính, LĐ-TB&XH... để có đề xuất hỗ trợ từ ngân sách địa phương đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng không còn thuộc diện NSNN hỗ trợ trong Quyết định số 861/QĐ-TTg và 433/QĐ-UBDT, vì đây là nhóm đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Ban Thu- Sổ thẻ cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển đối trượng cả giai đoạn 2021-2025, trong đó phân kỳ theo năm, theo 8 nhóm đối tượng, từ đó hỗ trợ địa phương tháo gỡ các vướng mắc, phát triển đối tượng hiệu quả.
Chỉ đạo về lĩnh vực này, Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh: Giai đoạn này chúng ta phải thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển đối tượng, bởi kế hoạch thu đã được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ, và yêu cầu phát triển đối tượng theo từng giai đoạn nên không có sự thay đổi. Phó Tổng Giám đốc lưu ý: Sự ủng hộ của chính quyền địa phương là "gốc rễ" để cơ quan BHXH thực hiện thành công nhiệm vụ trên địa bàn đó. Do đó, BHXH các địa phương cần chủ động bám sát, tham mưu sự vào cuộc của cấp ủy, UBND, HĐND các cấp.
Đảm bảo tốt quyền lợi của người tham gia
Một điểm đáng ghi nhận trong thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH trong giai đoạn khó khăn vừa qua là: việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp luôn được đảm bảo, kịp thời, đúng quy định. BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc về chế độ, chính sách cho người lao động (đặc biệt là các trường hợp có thời gian công tác trước năm 1995); tham gia, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan kiến nghị, đề xuất Chính phủ giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự xã, Phó trưởng Công an xã và người làm việc theo HĐLĐ tại UBND cấp xã; xin ý kiến, thống nhất với Bộ Nội vụ giải quyết một số vướng mắc về tuổi nghỉ hưu và thời điểm hưởng lương hưu của người nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định số 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ.
BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để quản lý người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp từ cơ sở; rà soát các trường hợp hưởng trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượt người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp đa số đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, riêng số người hưởng mới "Một lần BHXH" tiếp tục tăng lên, với con số 561.570 trường hợp trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 59.431 so với cùng kỳ 2020 (tăng 11,84%); số lượt hưởng chế độ ốm đau là trên 3,55 triệu người, tăng 55.497 lượt so với cùng kỳ 2020 (tăng 1,59%).
Về công tác thực hiện chính sách BHYT, bài toán cân đối quỹ KCB BHYT giảm độ “căng” so với mấy năm gần đây, bởi trong 6 tháng đầu năm 2021, tâm lý e ngại lây lan dịch bệnh khiến số lượt KCB BHYT giảm hơn 1,95 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương 2,52%), nhưng số chi lại tăng 2.343 tỷ đồng (tăng 4,99%). Ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cũng cảnh báo đang có 21 địa phương có số chi KCB BHYT vượt 50% dự toán giao trong năm 2021. Vẫn còn 22 địa phương chưa có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định 501/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán chi KCB BHYT năm 2021.
Số chi bình quân cho mỗi lượt KCB tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020, có một phần nguyên nhân do “nhiều cơ sở KCB tìm cách tăng cường thu vào thời điểm giãn dịch, chỉ định vào nội trú cao”, ông Phúc nhận xét. Những tháng đầu năm (trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4), chi phí do thực hiện thông tuyến tỉnh tăng khá cao, đồng thời tình hình trục lợi quỹ KCB BHYT vẫn xảy ra tại mội số địa phương, điển hành là hai vụ việc được khởi tố tại Bắc Giang, Yên Bái trong thời gian qua...
Ban Thực hiện chính sách BHYT yêu cầu các địa phương cần tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT, bên cạnh hệ thống thông tin giám định BHYT giám định điện tử tự động, cần thực hiện giám định trực tiếp để đảm bảo chi phí KCB BHYT được sử dụng hợp lý, đúng thực tế. BHXH các địa phương phối hợp với Sở Y tế thực hiện hiệu quả dự toán chi KCB BHYT năm 2021, có báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp kịp thời tại những địa phương đã chi trên 50% dự toán. Tăng cường trách nhiệm giám sát đấu thầu thuốc, vật tư y tế để mua sắm đúng quy định, kịp thời thay thế các gói thầu đã hết hạn...
Hiện đại hóa ngành BHXH thông qua ứng dụng CNTT, cải cách TTHC
Tiếp tục mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho NLĐ, trong 6 tháng đầu năm 2021, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Với định hướng cắt giảm về số lượng, đơn giản hóa về cấu trúc TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH, đến nay bộ TTHC của ngành BHXH Việt Nam tiếp tục được cắt giảm từ 27 thủ tục (năm 2020), xuống còn 25 thủ tục. Toàn Ngành cũng đẩy mạnh giao dịch điển tử, mở rộng cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4, đến thời điểm hiện tại 25/25 thủ tục của BHXH Việt Nam đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng DVC của Ngành; tích hợp, liên thông với Cổng DVC Quốc gia (hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW).
Song song với đó, ngành BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT chuyển đổi số trong các hoạt động. Hiện nay, Ngành đã hoàn thiện, nâng cấp, bổ sung các tính năng, tiện ích, dịch vụ công và đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người dân đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số. Từ 1/6/2021, đã chính thức triển khai, sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc; tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng trên 11,2 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Hiện, Trung tâm CNTT đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ; Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH Việt Nam; hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH; hệ thống thông tin ""Một cửa" điện tử và Cổng dịch vụ công của Ngành; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống các phần mềm phục vụ công tác quyết toán tập trung; xây dựng, hoàn thiện các quy trình thẩm định quyết toán trên phần mềm thẩm định quyết toán… Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, như: kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động 2 chiều giữa BHXH Việt Nam với Tổng cục Thuế; kết nối, trao đổi thông tin với Bộ Tư pháp trên hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP); với Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ, kết nối với dữ liệu về lao động, việc làm; với Bộ Y tế xây dựng Quy chế phối hợp kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu Hộ gia đình tham gia BHYT và dữ liệu giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT; kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với CSDL Quốc gia về dân cư của Bộ Công an (từ 28/5/2021, đã chính thức triển khai việc xác thực thông tin công dân từ CSDL Quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH)...
Tận dụng tối đa “dư địa” của Ngành BHXH
Tại Hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm của một số địa phương đã chỉ ra rằng: Bên cạnh sự chủ động của cơ quan BHXH, thì sự vào cuộc của chính quyền địa phương có vai trò quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Tại một số địa phương có thành tích phát triển đối tượng ấn tượng như Nghệ An, Quảng Ngãi, Hải Dương... Tuy nhiên, nhấn mạnh về tác động dịch Covid-19, hai địa phương có số thu và số DN, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều chia sẻ lo ngại về tụt giảm số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, riêng TP.Hồ Chí Minh còn giảm sâu cả BHYT, BHXH tự nguyện...
Đánh giá BHXH nhiều địa phương chưa sử dụng hết hiệu quả lợi thế về quyền thanh tra, kiểm tra vi phạm đóng BHXH, BHYT, ông Trần Đức Long- Vụ trưởng Vụ Thanh tra- Kiểm tra cho biết: có tới 34 địa phương đã không thực hiện được một cuộc thanh tra- kiểm tra liên ngành nào trong 6 tháng qua, 18 địa phương chưa kiểm tra đối với đơn vị SDLĐ, 27 tỉnh không thực hiện kiểm tra chi phí KCB BHYT... Theo thống kê, đến hết tháng 5/2021, toàn Ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 2.641 đơn vị; trong đó thanh tra chuyên ngành 1.672 đơn vị; kiểm tra 1.970 đơn vị; thanh tra liên ngành 375 đơn vị. Kết quả, qua công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 4.116 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là hơn 23,86 tỷ đồng; 11.085 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 16,61 tỷ đồng; tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã khắc phục là 451,82 tỷ đồng...
Tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh chỉ ra điểm khác biệt và là khó khăn riêng của ngành BHXH Việt Nam: Không điều chỉnh lại các chỉ tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, mức thấp nhất là phải đạt được mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các địa phương cần làm rõ nguyên nhân giảm số người tham gia ở từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng. Từ thực tế mới đặt ra các giải pháp sát nhất và hiệu quả nhất với từng địa bàn.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn thì đặc biệt lưu ý: Trong Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 vừa được ban hành, nhóm NLĐ được hỗ trợ đều có điều kiện là tham gia BHXH bắt buộc. Đề nghị BHXH các địa phương nhanh chóng khai thác tối đa hiệu quả hệ thống dữ liệu CNTT sẵn có, phối hợp và cung cấp cho các cơ quan chức năng liên quan để nhanh chóng lập danh sách hỗ trợ kịp thời, chính xác, tạo thuận lợi cho NLĐ được thụ hưởng quyền lợi chính đáng...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương tiếp thu chỉ đạo của các Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực, nhanh chóng triển khai. Các Vụ, Ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam cũng căn cứ vào đề xuất của các địa phương, rà soát báo cáo lãnh đạo ngành phụ trách, xử lý dứt điểm các tồn tại này.
Khẳng định Ngành BHXH Việt Nam sẽ phải kiên định các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh một trong các mục tiêu của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian tới là tập trung vào chuyển đổi số, bởi càng trong giai đoạn dịch bệnh càng cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tạo thuận lợi cho tất cả các bên tham gia. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ chú trọng đặc biệt, tham gia hiệu quả vào việc sửa đổi 3 Luật có tác động lớn đến hoạt động của ngành là Luật Thanh tra, BHXH, BHYT, cần nhưng dẫn chứng, thông tin phản ánh kịp thời, từ thực tiễn của các địa phương...
Tổng Giám đốc lưu ý 4 bài học kinh nghiệm thành công thời gian mà toàn Ngành cần phát huy: Dự báo trước các khó khăn, thách thức để xây dựng kịch bản phù hợp; bám sát chỉ đạo của các ngành, các cấp chính quyền để phối hợp chung thay thực hiện tốt các chính sách ASXH; phát hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, báo cáo để giải quyết dứt điểm các vướng mắc từ sớm, từ xa; phát huy truyền thống và năng lực nội tại của toàn Ngành, nâng cao trách nhiệm mỗi đơn vị, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. “Chúng ta còn nhiều dư địa về con người, hệ thống cơ sở dữ liệu... để đưa ra các giải pháp và hiện thực hóa nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong thực hiện nhiệm vụ”, Tổng Giám đốc chia sẻ.
Tại Hội nghị này, Vụ Thi đua khen thưởng đã công bố các Quyết định khen thưởng; trao tặng các danh hiệu thi đua khen thưởng các đơn vị, cá nhân toàn ngành BHXH gồm: Tặng “Cờ thi đua của BHXH Việt Nam” cho 10 tập thể tiêu biểu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2020; tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Ngành BHXH Việt Nam” cho 26 cá nhân tiêu biểu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua của Ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2018- 2020; tặng Bằng khen của Tổng giám đốc cho 25 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao giai đoạn 2019-2020.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...