BHXH Việt Nam triển khai nhiệm vụ năm 2021
24/12/2020 01:39 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 24/12, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam. Cùng tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam có đại diện một số bộ, ngành; còn tại các điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố và các sở, ban ngành liên quan.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2020, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu, thu nợ và phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Theo đó, cả nước đã có trên 16,1 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 32,6% lực lượng lao động và tăng 327 nghìn người so với năm 2019. Đặc biệt, đã có 1,068 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 494 nghìn người so với năm 2019 và chiếm khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cả nước cũng có 87,93 triệu người tham gia BHYT, tăng 1,99 triệu người so với năm 2019 và đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 0,15% so với chỉ tiêu được giao. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ước đạt 387.168 tỷ đồng, đạt 100,75% kế hoạch và tăng 5,16% so với năm 2019; tỷ lệ nợ BHXH, BHYT giảm xuống còn 3,66% số phải thu.
Trong năm 2020, toàn Ngành đã giải quyết trên 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, nâng tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH trong cả nước lên trên 3,2 triệu người; trên 9,56 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho trên 1,006 triệu người, tăng 170.481 người so với năm 2019. Đồng thời, thanh toán chi phí KCB BHYT cho trên 167,220 triệu lượt người, tăng hơn 37 triệu lượt người so với năm 2015.
Nhiều giải pháp đã được Ngành triển khai quyết liệt nhằm mở rộng diện bao phủ và tăng cường công tác thu BHXH, BHYT. Đơn cử: Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh; đã tổ chức được khoảng 120 hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm, đối thoại, tư vấn, truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT với khoảng 24.000 lượt người tham dự. Đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng tại 3.054 đơn vị, với tổng số tiền các đơn vị truy nộp trong và sau thời gian thanh tra lên tới 841.135 triệu đồng.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, đến nay giảm xuống còn 27 thủ tục và số giờ thực hiện TTHC giảm còn 129 giờ/năm. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai thành công ứng dụng "VssID- Bảo hiểm xã hội số" trên nền tảng thiết bị di động; qua đó cung cấp các chức năng, tiện ích để tìm kiếm, tra cứu thông tin đóng-hưởng BHXH, BHYT, thông tin về cơ sở KCB BHYT, các điểm thu, đại lý thu... Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy (bị hỏng, mất do bão lũ) để đi KCB tại 10 tỉnh khu vực miền Trung.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận làm rõ thêm về các mặt hoạt động của Ngành trong năm 2020, nhất là ở lĩnh vực thu, phát triển đối tượng, ứng dụng CNTT... Đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Thừa Thiên-Huế, Điện Biên, Cà Mau… cũng phát biểu làm rõ thực tiễn thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương; đồng thời nêu một số kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn chính sách này.
Cũng theo BHXH Việt Nam, trong năm 2021, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu tăng số người tham gia BHXH. Cụ thể: Cả nước có 17,54 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 14,2 triệu người tham gia BH thất nghiệp; 89,38 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 91,56% dân số...
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân; đồng thời yêu cầu từng CBVC phải luôn nỗ lực với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ được giao. Theo Tổng Giám đốc, toàn Ngành cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Tiếp tục chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định mới về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT kịp thời, đúng quy định và thuận tiện nhất cho người hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh chi trả bằng phương thức không dùng tiền mặt. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, trợ cấp thất nghiệp. Chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT đảm bảo đúng quy định và dự toán được giao. Đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT. Tiếp tục tăng cường CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện CSDL Quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng VssID...
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh quán triệt phải thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ quy trình, trách nhiệm"; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của CBVC, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ người tham gia và hưởng chính sách, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành BHXH Việt Nam đã đạt được trong năm 2020, cũng như giai đoạn 5 năm vừa qua. Nhắc lại dấu ấn từ năm 2014- năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng, vì đến đến nay thứ hạng của Việt Nam, trong đó có nhóm chỉ số về thuế, BHXH đã có bước cải thiện rất nhanh.
Theo Phó Thủ tướng, một trong những dấu ấn nổi bật của ngành BHXH Việt Nam là chỉ số bao phủ BHYT; liên tục từ năm 2013- thời điểm có Nghị quyết của Quốc hội, đến nay cả nước đã có hơn 90% dân số tham gia BHYT. Kết quả này được ghi nhận không chỉ ở trong nước, mà còn được cộng động quốc tế đánh giá cao. "Có được kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng vai trò nòng cốt chính là ngành BHXH"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, nỗ lực CCHC và ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam đã mang lại kết quả hết sức cụ thể, không chỉ phục vụ công tác của Ngành, mà còn đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thông tin quản trị của quốc gia. Minh chứng rõ nhất là kho dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT là cơ sở để thúc đẩy cấp thẻ căn cước công dân. Do đó, có thể nói, ứng dụng CNTT của ngành BHXH đã góp phần rất lớn để tiết kiệm chi phí cho người dân, DN và cả đất nước.
Đại diện điểm cầu Điện Biên phát biểu ý kiến
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại. Đơn cử: Số người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện còn thấp so với nhóm đối tượng tiềm năng. Công tác quản lý Quỹ BHYT chưa thực sự hiệu quả, còn một số vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, chưa bảo đảm tính bền vững. Vẫn còn tình trạng DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ...
Để khắc phục những hạn chế nói trên, Phó Thủ tướng lưu ý BHXH Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; có cơ chế linh hoạt xây dựng và thực thi chính sách, từng bước tiếp cận để người dân thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu hình thành thói quen tham gia BHXH. "Muốn vậy, phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động thực sự bài bản; các địa phương phải tham gia tích cực để có sự đổi mới trong thực hiện. Phải đạt mục tiêu vượt mức kế hoạch tăng số tham gia BHXH và phải quyết tâm thực hiện. Chúng ta đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, thì sẽ đạt được BHXH toàn dân- chỉ có như vậy mới đảm bảo ASXH bền vững"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, để đạt kết quả cao hơn, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, nhất là về xây dựng, liên thông CSDL giữa các bên về y tế, lao động. Bởi, nếu thực hiện hiệu quả việc này, sẽ giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực đầu tư, chi phí quản lý, đem lại thuận lợi cho chính các đơn vị cũng như từng người dân. "Khi kinh tế, xã hội càng phát triển, công tác đảm bảo ASXH ngày càng được chú trọng và vai trò, sứ mệnh của ngành BHXH càng lớn hơn. Đảm bảo ASXH cho từng người dân cũng là mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện rõ bản chất nhà nước XHCN của Việt Nam"- Phó Thủ tướng nói.
Minh Đức- Thanh Hằng
Trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân thuộc BHXH Việt Nam
Cũng nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ; trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Vụ Thanh tra-Kiểm tra. Đây là các tập thể, cá nhân thuộc BHXH Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...